Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2008

Lược sữ Cải lương




Lược sử Cải lương
Lược sử cải lương trong văn học nghệ thuật[14/07/2007 - Thanh Tùng Services]
Hễ nói đến Cải Lương là nói đến sự đau buồn của dân tộc ta dưới ách cai trị của thực dân Pháp, tiền nhân ta đã bao lần vùng dậy nhưng bị dẹp tan rồi cam chịu hẩm hiu, bên trong thì âm ỉ lòng yêu nước, ý chí này tiềm ẩn trong các tác phẩm văn chương ca ngợi cảnh vật thiên nhiên, với những lời lẽ thật là bi thiết, đó là tiếng kêu ai oán của một dân tộc mất hết chủ quyền, muốn xé tan bức màn đen mà khả năng chưa làm được.
1. Xin định nghĩa Cải Lương là gì? Cải Lương (To reform), còn hát cải lương (Renovated theatre hay modern theatre). Có nghĩa là Cải Cách từ hát bộ theo âm nhạc miền Nam, nên gọi là Cải Lương.
Truy nguyên lịch sử hình thành sân khấu cải lương, chúng tôi xin chia làm ba quá trình như sau:
- Quá trình sáng tác nhạc điệu. - Quá trình hát chèo và hát bộ. - Quá trình cải lương hát trên sân khấu.
a) Sáng tác nhạc điệu.
Theo lịch sử âm nhạc Việt Nam của Tiến sĩ Trần Văn Khê và "Cổ nhạc tầm nguyên" của nhiều tác giả, được trường Quốc Gia Âm Nhạc cho giảng dạy, nói rằng: vào đầu thế kỷ 20 có ông Ba Khị và Ba Chột.
(Ba Chột là con của Ba Khị), người ở quận Cái Bè tỉnh Mỹ Tho sáng tác ra các điệu nhạc và dạy ca, trong đó căn bản nhất là: 3 bài Nam, 6 bài Bắc, 6 bài Oán:
- 3 bài Nam gồm: Nam Xuân, Nam Ai, Nam Đảo.
- 6 bài Bắc gồm: Tây Thi, Cổ Bản, Lưu Thủy Trường, Phú Lục, Bình Bán Chấn, Xuân Tình.
Trong sáu bài Bắc đều là những bài rất hay, đặc biệt bài ca Lưu Thủy Trường và Phú Lục của ông Cao Hoài Sang nhan đề "Bá Nha, Tử Kỳ" và một lớp ca Xuân Tình không rõ tên tác giả nhan đề "Tống Tửu Đơn Hùng Tín", hai tác phẩm này nói lên tình tri kỷ tri âm và nghĩa kim bằng đã trở nên bất hủ.
- 6 bài Oán gồm: Giang Nam, Tứ Đại Oán, Bình Sa Lạc Nhạn, Thanh Dạ Đề Quyên, Trường Tương Tư, Văn Thiên Tường.
Ngoài ra, rất nhiều bài ngắn gọi là bài bản gồm đủ hỉ nộ ái ố.
Vào thời ấy cha con nhạc sĩ Ba Khị sáng tác và truyền bá khắp các tỉnh miền Tây, thịnh hành nhất ở tỉnh Bạc Liêu, và tại Bạc Liêu có ông Sáu Lâu tức Cao Văn Lâu dựa theo bài Dạ Cổ Hoài Lang của ông Ba Khị vốn có 4 nhịp, sáng tác ra bài Vọng Cổ 32 nhịp, từ đó bài Vọng Cổ nhịp 32 hấp dẫn nhiều người và cả nước mến mộ. Hình thức phổ biến lúc bấy giờ, ông Ba Khị chỉ đào tạo ca sĩ để ca trong các đám tiệc gọi là ca Salon, nhưng có hấp lực mạnh mẽ, cho nên ở đâu có đờn ca thì dân chúng tụ họp để nghe, có khi suốt cả đêm, dần dần có nhiều giọng ca thiên phú xuất hiện làm tăng sự thu hút của môn ca nhạc này, đồng thời các hãng đĩa Asia, Kim Khánh... ra đời.
b) Quá trình hát chèo và hát bộ.
Nói đến sân khấu chúng ta không thể bỏ qua hát chèo và hát bộ. Theo Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim, vào thế kỷ thứ 10 ta có hát chèo, hát chèo tức là dùng 36 điệu dân ca miền Bắc hát ra bộ trong một kịch bản, bộ môn này hiện nay vẫn còn áp dụng trong những ngày lễ cổ truyền. Trong thế kỷ này bà Phạm Thị Trân được vua Đinh Tiên Hoàng trọng dụng cho dạy hát chèo trong quân đội.
Còn hát bộ hay hát bội, bộ môn này giông giống hát hồ quảng bên Tàu. Cũng trong Việt Nam Sử Lược, vào thế kỷ thứ 13 đức Trần Hưng Đạo đánh thắng giặc nhà Nguyên, có bắt được ông Lý Nguyên Cát vốn là con hát trong quân đội Mông Cổ, sau khi được tha ông ở lại Việt Nam và đem nghệ thuật hát bộ dạy người mình hát, từ đó ta có hát bộ và thịnh hành nhất vào đời vua Trần Du Tông, bấy giờ nhà vua khuyến khích ca hát, bắt các vương hầu, công chúa đặt ra tuồng để hát, những vị này được gọi là thầy tuồng và ngày nay gọi là soạn giả. Thời bấy giờ người ta thường lấy truyện tích bên Tàu mà đặt thành tuồng như: Trảm Trịnh Ân, Vạn Huê Lầu, Tiết Nhơn Quý chinh đông, chinh tây, Tiết Đinh San Cầu Phàn Lê Huê, Hán Sở Tranh Hùng, Đắp Đập Bàn Đước, Châu Du Thổ Huyết v.v.. Bộ môn này sống thật lâu, từ thế kỷ 13 đến khi cải lương thịnh hành mới đi vào lịch sử, nhưng vẫn còn áp dụng trong những ngày lễ cổ truyền. Còn hát hồ quảng là hoàn toàn phỏng dịch theo người Tàu.
c) Quá trình Cải Lương hát trên sân khấu. (Gánh hát bầu Bòn)
Trước năm 1945 có nhiều đoàn hát bộ, trong miền Nam có gánh hát ông bầu Bòn là một đại ban, lợi dụng chỗ có sân khấu và phong trào ca Vọng cổ thịnh hành, ông bầu Bòn muốn làm cho mới lạ, cho xen bài Vọng cổ vô tuồng hát bộ được khán giả mến mộ, ông bèn lập ra đoàn Cải lương "Tấn Thành Bang" (đại bang) và về sau nhiều đoàn khác ra đời. Những nghệ sĩ nòng cốt của đoàn Tấn Thành Bang bấy giờ được xem như là hệ Thứ nhất, những nghệ danh từ khởi đầu và nối tiếp xin được xếp theo thứ tự như sau:
- Thế hệ thứ nhất.
Nam gồm có: Bảy Nhiêu, Năm Châu, Tư Út, Từ Anh, Bầu Thới, Ba Vân, Tám Vân, Tư Chơi... ngoài Bắc có Huỳnh Thái... đoàn Tiếng Chuông Vàng Thủ Đô của ông bầu Long.
Nữ gồm có: Phùng Há, Năm Phỉ, Bảy Nam, Kim Cúc, Kim Lang, Sáu Nết, Kim Huê, Ba Ngưu, Kim Anh, cô ba Hélène... ngoài Bắc có: Kim Chung, Bích Thuận, Thúy Liệu...
- Thế hệ thứ hai.
Nam gồm có. Bảy Cao, Út Trà Ôn, Năm Nghĩa, Hoàng Giang, Thanh Tao, Ba Khuê, Việt Hùng, Hai Tỷ, Ba Tẹt...
Nữ gồm có: Ngọc Nuôi, Kim Luông, Kim Nên, Kim Chưởng, Kim Giác, Ái Hữu, THúy Nga, Bích Sơn.
- Thế hệ thứ ba.
Những nghệ sĩ đang hành nghề từ trong nước ra đến hải ngoại:
Nam gồm có: Hữu Phước, (đã mất), Thành Được, Hùng Cường (đã mất), Văn Chung, Hùng Minh, Dũng Thanh Lâm, Thanh Hải, Tấn Tài, Phương Quang, Út Hậu, Út Hiền, Phương Thanh, Hoài Thanh, Minh Cảnh, Minh Vương, Minh Phụng, Thanh Sang, Thanh Tuấn, Phước Hậu, Nam Hùng, Chí Tâm, Linh Tuấn, Vũ Phương Khanh, Điền Thanh, Thanh Bạch, Thanh Tòng, Hương Huyền, Bảo Châu...
Nữ gồm có: Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Thanh Nga, Lệ Thủy, Phượng Liên, Hương Lan, Hồng Nga, Trương Ánh Loan, Thu Vân, Thanh Kim Huệ, Tô Kim Hồng, Ánh Hoa) Thanh Thanh Hoa, Hồng Vân tức Trâm Anh, Kim Tuyến, Phượng Mai, Tài Lương, Tài Linh, Bình Trang, Kiều Mai Lý, Thoại Miêu, Thu Hồng, Kiều Mỹ Loan, Phương Nga...
- Thế hệ thứ tư.
Người viết đã ở hải ngoại, chỉ biết vài nghệ sĩ quen thuộc hoặc gia đình như: Chí Thanh tức ca sĩ Chế Thanh tân nhạc hiện nay, huy chương vàng Cải Lương năm 1990, Ngân Tuấn, Chiêu Hùng, Trọng Nghĩa, Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Thoại Mỹ, Thanh Ngân...
Bộ môn Cải Lương thịnh hành nhất vào ba thập niên 50, 60, 70. Trong thập niên 50 có các đoàn hát: Hoa Sen, Thanh Minh, Thanh Cần, Mộng Vân, Nhạn Trắng, Tiếng Chuông, Kim Chưởng, Thúy Nga... ngoài Bắc có đoàn "Tiếng Chuông Vàng Thủ Đô", đến năm 1954 di cư vào Nam đổi tên là Kim Chung, đến thập niên 60 đoàn Kim Chung phát triển thêm 5 đoàn từ Kim Chung 1 đến Kim Chung 5. Và đoàn Thanh Minh đổi tên là Thanh Minh Thanh Nga, có lúc thêm đoàn Thanh Minh Thanh Nga 2. Kể từ thập niên 60 phát triển thêm nhiều đoàn, tổ chức sân khấu có kỷ luật quy cũ, nghệ thuật kỹ thuật và tuồng tích của nhiều soạn giả đạt đến trình độ rất cao. Trong hàng ngũ soạn giả nhiều người ưu tú có tuồng tích rất hay lưu truyền trong lòng quần chúng. Đến năm 1975 Cải Lương vẫn còn thịnh hành, ở thành phố Sài Gòn có các đoàn: Sài Gòn 1, Sài Gòn 2, Sài Gòn 3, Trần Hữu Trang, Thanh Nga, Phước Chung, Minh Tơ (Cải Lương Hồ Quảng), Sống Chung, Tuổi Trẻ, Trung Hiếu, 30 tháng 4...
- Ở mỗi tỉnh có từ 1 đến 3 đoàn. Ở Quận Huyện mỗi nơi có một đoàn, tỉnh nào quận nào mang tên nơi đó Thí dụ: Tỉnh Sông Bé mang tên Sông Bé I, Sông Bé II, Sông Bé III. Tỉnh Long An mang tên Long An, Vàm Cỏ v.v... Các đoàn từ cấp tỉnh đến huyện đều do cán bộ văn hóa quản lý chặt chẽ... Đến năm 1988 Cải Lương bắt đầu xuống dốc, đến khoảng cuối năm 1990 khán giả không còn đến hí trường đông đảo như trước, ngành kinh doanh nghệ thuật lỗ nặng rồi tan rã dần dần, đến nay thì cấp tỉnh và Saigon gần như không còn đoàn hát nào, chỉ còn cấp quận huyện có vài nơi còn đoàn hát, nhưng sống lây lất thật là bi đát.
2. So sánh giữa hát bộ và cải lương.
Là người trong nghề chúng tôi thấy rằng, hát bộ diễn tả hỉ nộ ái ố khó khăn hơn cải lương. Bởi, hát bộ bị đóng khung trong các thể điệu: nói lối bạch, nói lối đo, hát khách, hát tẩu, hát nam ai, hát nam chạy, thán... Chỉ bằng ấy thể điệu cộng với điệu bộ diễn xuất, cho nên người diễn phải tận dụng hết khả năng để diễn cho ra vẻ: hùng mạnh, giận dữ, thương cảm, lảng lơ, tán tỉnh, thất bại, tử vong, chia ly, đoàn tụ, khôi hài v.v... nhứt nhứt phải nằm trong khuôn khổ mấy thể điệu đã kể. Còn Cải Lương thì vô cùng phong phú, mỗi điệu ca, mỗi điệu lý đều có sẵn đặc tính vui buồn, phẫn nộ, hận thù, lãng mạn, lả lơi, trữ tình, hài hước v.v... Ngoài ra, còn có thể xen 36 điệu dân ca miền Bắc, các điệu hò miền Trung và có thể xen tân nhạc mà tuồng vẫn không bị lạc điệu của cải lương. Cho nên có thể nói cải lương là bộ môn nghệ thuật có chất lượng cao, muốn diễn tả cái gì cũng được, muốn phổ cập triết lý, tư tưởng nào cũng dễ dàng, soạn tuồng lịch sử hay xã hội loại nào ra loại đó. Về lĩnh vực giáo dục quần chúng, những điệu ca ngâm làm hấp dẫn người nghe như xoáy sâu vào cân não, dễ nhớ, dễ lĩnh hội nội dung cốt chuyện rất hữu dụng cho việc vận dụng tâm lý, chứ không bị gò bó như hát bộ.
3. Tương lai của cải lương và kết luận.
Như trên đã trình bày, cải lương là bộ môn nghệ thuật thuần túy của dân tộc ta, tiền nhân đã sáng tạo rất công phu, người ở ba miền Bắc, Nam, Trung đều thưởng thức được. Nhưng hiện nay gặp phải khoa học kỹ thuật tối tân, khán giả không cần phải đến hí trường, cứ nằm ở nhà có VCR cũng vẫn xem cải lương được. Sự kiện này làm cho các nhà tổ chức bị lỗ lã không còn dám đứng ra gánh vác, nghệ sĩ mất đất dụng võ phải sinh sống bằng những nghề bất đắc dĩ khác. E rằng, rồi đây cải lương cũng sẽ đi vào lịch sử như hát bộ, nhượng chỗ cho điện ảnh và video. Viễn ảnh không sáng sủa cho nghệ thuật cải lương đã thấy rõ, nhưng chúng tôi chưa có phương cách để phục hồi. Thiết nghĩ, nếu muốn phục hồi cần phải có những bậc cao kiến có khả năng tổ chức, chú trọng tu dưỡng sân khấu, họp với soạn giả, nhạc sĩ đào tạo mầm non trẻ trung hóa sân khấu. Nghệ sĩ phải biết giữ nghề nghiệp, không vì lợi trước mắt đóng phim video vô tình làm cho sân khấu mất khán giả. Các nhà biên soạn phải thay đổi lối viết, lối dàn dựng, nghiên cứu so sánh với phim ảnh để đáp ứng đúng thị hiếu của lớp tuổi trung niên và lớp trẻ.
Đặc biệt ở hải ngoại, vì cuộc sống quá bon chen, mọi người đều chú tâm giữ Job, xem việc bồi dưỡng tinh thần là phụ thuộc không mấy cần thiết, cho nên phải có cái gì thật đặc biệt mới cuốn hút được họ bỏ thì giờ đi đến hí trường.
Trên đây là một vài thiển nghĩ của người viết, muốn đề nghị phương cách giữ lại cái tinh hoa của văn hóa dân tộc. Chứ để cho bộ môn nghệ thuật này bị mai một thì thật là tiếc uổng lắm thay.
Vinh Danh Tổ Nghiệp Cải Lương.
Căn cứ theo các sử liệu của dân tộc Việt Nam. Chúng ta nên cô đọng các sinh hoạt nghệ thuật: hát chèo, hát bội, cải lương qua các thời đại để vinh danh những nghệ sĩ tiền bối đã đóng góp công phu của mình để lại cho con cháu nhà Nam ta. Người viết chỉ danh các vị tiền bối theo "Việt Nam Sử Lược" của cụ Trần Trọng Kim như sau đây:
Xin tạm chia làm ba thời đại.
1) Thời đại thứ nhất: (Thế kỷ thứ 10 đến 13)
- Bà Phạm Thị Trân, thế kỷ thứ 10, dạy hát chèo trong quân đội nhà Đinh (vua Đinh Tiên Hoàng).
Ông Lý Nguyên Cát, dạy hát bội trong quân đội Mông Cổ. Vào thế kỷ 13 xâm lăng Việt Nam bị bắt làm tù binh, khi được tha ông xin ở lại Việt Nam và đem nghề hát dạy cho người Việt chúng ta.
2) Thời đại thứ hai:
(Thế kỷ 14 đến 1 vua Trần Dụ Tông (1341-1400). Nhà vua khuyến khích ca hát, bắt dầu có "thầy tuồng" tức là soạn giả.
Ông Đào Duy Từ, thế kỷ 16, phổ biến nghệ thuật hát bội trong miền Nam.
3) Thời đại thứ ba (đầu thế kỷ 20)
Ông Ba Khị và Ba Chột (Ba Chột là con ông Ba Khị) Sáng tác ra 3 bài Nam, 6 bài Bắc, 6 bài Oán, và các thể điệu khác v.v... (Lịch sử âm nhạc Việt Nam và Cổ nhạc tầm nguyên).
Ông Sáu Lầu tức Cao Văn Lầu. Lấy bài Dạ Cổ Hoài Lang của ông Ba Khị, phóng tác ra bài Vọng Cổ nhịp 32. Vì bài Dạ Cổ Hoài Lang chỉ có 4 nhịp.
Như đã trình bày ở trên thì có bảy vị đã dày công xây dựng nền nghệ thuật từ hát chèo, hát bội và đến cải lương. "Như vậy chúng ta phải vinh danh quý Ngài là tổ nghiệp qua ba thời đại mới đúng". Chớ cứ theo truyền thuyết xưa nay nói rằng: Tổ nghiệp cải lương vốn là "người ăn mày" hay là "Ba vị hoàng tử" thì e rằng quá sai lầm. Vì không có sử liệu nào để chứng minh cho việc suy tôn này.
Garden Grove 22-5-1998

Bài bãn Cổ nhạc

Hòa tấu Quốc nhạc
Hòa tấu cổ nhạc 1 - Văn Mỹ
Nghe
Player

Trình bày:
Tác giả:
Thuộc thể loại: Hòa tấu
Số lần nghe: 8343

1. (LIÊN NAM) NAM XUÂN, NAM AI - ĐẢO NGŨ CUNG


2. PHỤNG HOÀNG (12 CÂU)


3. XUÂN TÌNH (LỚP I VÀ LỚP IV)


4. KHÓC HOÀNG THIÊN VÀ PHONG BA ĐÌNH


5. NẶNG TÌNH XƯA


6. TRĂNG THU DẠ KHÚC - VỌNG CỔ 1, 2, 3


7. XÀNG XÊ


8. SƯƠNG C HIỀU


9. VĂN THIÊN TƯỜNG QUA XẾ XẢNG


10. LƯU THỦY HÀNH VÂN, VỌNG CỔ 5, 6


11. PHI VÂN ĐIỆP KHÚC


12. TRƯỜNG TƯƠNG TƯ (LỚP I VÀ LỚP III)


13. LIÊU GIANG



Hòa tấu cổ nhạc - Nhạc sĩ Hoàng Phúc
Nghe
Player

Trình bày:
Tác giả:
Thuộc thể loại: Hòa tấu
Số lần nghe: 6098

1. GIỚI THIỆU NHẠC SĨ HOÀNG PHÚC


2. DẠ CỔ HOÀI LANG (DÂY KÉP)


3. LƯU THỦY TRƯỜNG (32 CÂU)


4. ĐOẢN KHÚC LAM GIANG


5. VỌNG CỔ 1, 2, 3 KÉP


6. XUÂN TÌNH LỚP 1 VÀ 4


7. PHI VÂN ĐIỆP KHÚC


8. VỌNG CỔ CÂU 1 VÀ 2 ĐÀO


9. TÂY THI (26 CÂU)


10. VỌNG KIM LANG (DÂY ĐÀO ĐÀN 2 LẦN)


11. LIÊN NAM (NAM XUÂN, NAM AI, NAM ĐẢO)


12. PHỤNG HOÀNG (12 CÂU DÂY ĐÀO)


13. XÀNG XÊ (8 CÂU)


14. TỨ ĐẠI OÁN (6 CÂU)


15. SƯƠNG CHIỀU


16. VỌNG CỔ 4, 6 (DÂY KÉP)


17. VĂN THIÊN TƯỜNG (15 CÂU LỚP 1)


18. LIỂU THUẬN NƯƠNG QUA KHÓC HOÀNG THIÊN

Tiền Tổ và Hậu Tổ Cải lương




Tổ Cải Lương



Ông Tổ Cải Lương tên thật là Tống Hữu Định, bút hiệu Tịnh Trai, người ta còn gọi là Thầy Phó Mười Hai - gọi Thầy Phó vì ông từng làm Phó Tổng đất Vãng (sau đổi thành tỉnh Vĩnh Long) và gọi Mười Hai là theo hạng thứ trong gia đình. Ông sanh năm 1896 tại làng Long Châu, Vĩnh Long và mất năm 1932.

Ông là một danh sĩ tài hoa, vốn dòng dõi một công thần nhà Nguyễn - ngài Tống Phước Hiệp, thần hoàng bốn tỉnh - người có công trùng tu và tân tạo Văn Thánh miếu mà cũng là người nâng đỡ chu toàn nền cổ nhạc Long Hồ. Nhưng ông cũng là người ăn chơi nổi tiếng, hào hoa đứng đầu tỉnh Vĩnh Long vào những năm 1915-1920. Lúc sanh tiền ông hay tổ chức đờn ca tiệc tùng, đá gà nòi, bài bạc, đờn hát, ngâm thơ đủ thứ. Đệ nhất thế chiến 1914-1918, ông tổ chức hát dạo quyên tiền giúp quốc trái nhưng chưa bao giờ lên hát trên Sài Gòn. Họa chăng ông là người ham dạo chơi đó đây, nên ông từng ghé Mỹ Tho ngủ đêm tại đây để chờ sáng đáp xe lửa lên Sài Gòn, nhân dịp đó có lẽ ông đã từng xem hát bóng có đờn ca tài tử tại Mỹ Tho, cũng như ông từng lên ngồi uống rượu ở nhà hàng P.T. (góc Lê Thánh Tôn - Thủ Khoa Huân) và tại nhà hàng Lương Hữu, khách sạn ông Bảy Phương (đường Nguyễn Thiệp), ông thấy giàn đờn tài tử, ông chớp để bụng mang về nhà bày đờn ca ngồi trên ván ngựa v.v. Tuồng Cải Lương được diễn lần thứ nhất tại nhà Thầy Phó Mười Hai (Vũng Liêm) là ngày 15-11-1918, kế đó diễn nơi Sa Đéc và Vũng Liêm. Lúc bấy giờ, nói đến tên ông Tống Hữu Định, trong giới âm nhạc tài tử ai đều cũng biết. Ông là người có sáng kiến khai sinh ra điệu ca bộ, ông tổ chức nghệ thuật sân khấu Cải Lương. Khoảng đầu năm 1916, trong một buổi hòa tấu nhạc tại nhà ông, bài ca Tứ Đại Oán "Bùi Kiệm Thi Rớt Trở Về" được trình diễn bằng hình thức "ca ra bộ", vừa ca vừa ra bộ. Ba người thủ vai: Bùi Ông, Bùi Kiệm, Kiều Nguyệt Nga (Cô Ba Định thủ vai Nguyệt Nga, ông giáo Du trong vai Bùi Ông và ông giáo Diệp Minh Ký trong vai Bùi Kiệm). Ông Tống Hữu Định nổi tiếng là người hào hoa phong nhã hiếu khách, say mê nghệ thuật đờn ca, hàng tuần vào ngày thứ bảy đều có tổ chức hòa nhạc, tiệc tùng tại nhà ông với đôi ba người tài tử nghệ sĩ. Phong trào âm nhạc tài tử nhờ đó mà phát triển mạnh mẽ ở miền Tây cách đây 75 năm. Ông vừa là người có tâm hồn nghệ sĩ vừa là một nhà thơ, đã đứng ra vận động thành lập Hội Văn Thánh, quyên tiền trùng tu Văn Thánh miếu Vĩnh Long.
lekt - tcgd (Theo Hậu Trường SKCL của Trần Trung Quân)


Hậu Tổ Cải Lương

Soạn giả Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, Hậu Tổ Cải Lương


Ngày 11 và ngày 12 tháng 8 âm lịch hàng năm, năm nay nhằm ngày thứ sáu 21 và thứ bảy 22 tháng 9 là ngày giổ Tổ Hát Bội và Cải Lương. Các nghệ sĩ hát bội và cải lương ở trong nước hoặc ở hải ngoại đều có tổ chức lễ giổ Tổ Nghiệp, hoặc tập trung từng đoàn hát, ở nhà truyền thống nghệ sĩ hoặc riêng từng cá nhân tại nhà của mình nếu không có điều kiện tập trung
Nhân dịp nầy, Nguyễn Phương muốn nhắc lại ý kiến của cụ Vương Hồng Sển nói về những vị hậu tổ cải lương. Tôi nghĩ là nhân ngày giổ Tổ, nghệ sĩ chúng mình cũng cần biết qua công đức của các vị Hậu Tổ đã đóng góp trong việc xây dựng nền nghệ thuật sân khấu độc đáo của dân tộc.Theo ông Vương Hồng Sển, nhà khảo cứu về sách cổ, đồ cổ, Cựu Giám đốc Bảo Tàng Viện Saigon và cũng là một học giả có nhiều bài viết về nghệ thuật hát bội và cải lương thì ông Nhạc Khị, người Bạc Liêu, nhạc sư, thân phụ của nhạc sư Ba Chột và cha vợ của nhạc sư Trịnh Thiên Tư đáng được tôn vinh là Hậu Tổ cải lương.Về các soạn giả, những người đã khai sanh ra các lối diễn ca trên sân khấu và đào tạo nghệ sĩ, nhà học giả Vương Hồng Sển có kể đến tên các ông Mạnh Tự Trương Duy Toản, người sáng tác kịch bản đầu tiên cho gánh hát của ông André Thận và ông Châu Văn Tú, những gánh hát cải lương đầu tiên ở miền Nam (1918).Sau đó ông Vương Hồng Sển kể đến các ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, soạn giả của gánh hát Tập Ích Ban (1921); các ông soạn giả nguyên là thầy giáo của trường Tiểu học ở Sóc Trăng : Giáo Quyển, Giáo Chức và ông Tư Quốc soạn giả của gánh hát Tân Phước Nam của ông thầy thuốc Minh Sóc Trăng (1921 – 1922); ông Mười Giảng Nguyễn Công Mạnh, ông Lâm Hoài Nghĩa, Nguyễn Quốc Biểu, ông Phạm Công Bình, Châu Hồng Đào, Trần Quang Hiển, Lê Quang Hộ, Ngô Văn Nghị, Đoàn Quan Tấn (sinh viên trường Cao Đẳng Hà Nội, gốc miền Nam), ông Hồ Văn Trung (tức nhà văn Hồ Biểu Chánh), ông Lê Quang Liêm (đốc phủ Bảy), Nguyễn Chánh Sắt (nhà dịch thuật truyện Tàu rất nổi tiếng), ông Trần Chánh Chiếu…Các ông kể trên đều là những soạn giả đã viết những tuồng cải lương trong các năm từ 1918 đến 1924. Đó là những nhà trí thức học giả, có ông là giáo sư trường Chasseloup Laubat Saigon, có ông làm tới chức Đốc Phủ Sứ, có ông vừa là công chức của Ty Soái Phủ vừa là nhà văn hữu danh.Các ông soạn những tuồng lịch sử Việt Nam (Gia Long Tầu Quốc, Pháp Việt Nhứt Gia, Giọt Máu Chung Tình tức Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà…), tuồng xã hội (Tham Phú Phụ Bần, Tối Độc Phụ Nhơn Tâm…) tuồng Việt Nam xưa theo các tích truyện Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Thúy Kiều – Kim Trọng, Lâm Sanh Xuân Nương, Lưu Bình Dương Lễ… tuồng theo tích truyện Tàu : Phụng Nghi Đình, Châu Mãi Thần Ly Thê, Thái Sư Văn Trọng, Mổ Tim Tỷ Can, Thôi Tử Thí Tề Quân…Cụ Vương Hồng Sển nhắc đến người soạn giả đầu tiên của cải lương : ông Mạnh Tự Trương Duy Toản. Sau đó mới tới ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, nhưng theo lời của cô Phùng Há, nghệ sĩ kiêm soạn giả Năm Châu, soạn giả Lê Hoài Nở thì ông thầy tuồng có công đào tạo nhiều nghệ sĩ tài danh tiền phong như Năm Châu, Bảy Nhiêu, Tư Thới, Phùng Há, Ngọc Hải, Sáu Ngọc Sương, Ngọc Trâm, Kim Cúc… là ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền.Anh Năm Châu, anh Bảy Nhiêu, cô Phùng Há khi nhắc tới ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền thường tỏ lòng tôn kính và xem như là cha nuôi của mình. Và cô Phùng Há thường nói : « Nếu nói đến Hậu Tổ Cải Lương thì bên nhạc đúng là ông Nhạc Khị, bên cải lương là ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền.» Trong giới nghệ sĩ sân khấu cải lương có tập tục thờ Tổ nghiệp : không ai biết đích xác Ông Tổ ngành hát bội và cải lương là ông nào. Tổ nghiệp của nghề hát là danh xưng để gọi chung các bậc tiền bối đã dày công sáng lập nên sự nghiệp có liên quan đến nghệ thuật sân khấu : Tổ Sư, Thánh Sư, Tiên Sư, Tam Giáo đạo sư, Thập nhị công nghệ, Lão Lang đại thần, Tiền Hiền, Hậu Hiền…tức là những bậc nhân tài xuất chúng, những bậc thầy các ngành nhạc, mộc, dệt, múa, rèn, thuốc, hát ca, kể cả những đồng nghiệp quá cố.Theo quan niệm đó thì các ông khởi đầu cho nghề soạn tuồng như ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, ông Mạnh Tự Trương Duy Toản, Nhạc Sư Hai Khị đều được tôn vinh là Hậu Tổ cải lương, đó là để tưởng nhớ và ghi ơn bậc tiền bối đã khai sáng nghệ thuật cải lương.Ông Nguyễn Trọng Quyền bút danh Mộc Quán, sinh năm Đinh Sửu (1876), tại làng Thạnh Hòa, xã Trung Nhứt, quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên (nay thuộc tỉnh Cần Thơ), con của ông Nguyễn Văn Tường và bà Trương Thị Thạnh.Lúc nhỏ, ông học hết chương trình Tiểu học, rồi ở nhà học chữ Nho với cha và tự học thêm Pháp văn. Ông làm thư ký cho hãng rượu nếp hiệu Phước Hiệp do ông Vương Thiệu (Năm Tiệm) làm chủ. Ông Quyền rất giỏi tiếng Tiều. Ông Vương Thiệu nguyên là một nghệ sĩ đoàn hát Tiều giải nghệ để kinh doanh nghề nấu rượu nên trong những cuộc tiệc nội bộ của hãng rượu Phước HIệp, ông Vương Thiệu rước đoàn hát Tiều về hát cho công nhân xem. Ông Nguyễn Trọng Quyền nhân các dịp đó, làm quen với các kép hát Tiều, học đờn cò và học hát.Năm 1903, lúc ông được 27 tuổi, ông sáng tác thơ tuồng để dạy con cháu cách cư xử ở đời như thơ Thoại Bạch Viên (còn gọi là thơ Chệt Xuội), Trùng Ma Phụ Giám và Xử Hạnh Ca.Năm 1916, ông Vương Có, con của chủ hãng rượu Phước Hiệp, nhân thấy nhiều chủ bầu các gánh hát ở Tiền Giang và Hậu Giang làm giàu mau lẹ nhờ gánh hát rất đông khách nên ông xin cha ông giúp vốn lập ra đoàn cải lương Tập Ích Ban. Ông Nguyễn Trọng Quyền, thơ ký của hãng rượu Phước Hiệp được mời làm thầy tuồng.Gánh hát Tập Ích Ban (1921) được tổ chức rập khuôn theo một gánh hát Tiều, soạn giả Nguyễn Trọng Quyền lấy bút danh là Mộc Quán. Các nam nữ diễn viên đều được đặt cho nghệ danh theo tên người Hoa như nghệ sĩ Bảy Nhiêu thành tên Lâm Sinh, cô Sáu Trâm thành tên Ngọc Xoa, nghệ sĩ Tư Thới thành tên Dương Hòa, Hai Hiến thành tên Kiều Mị, Hai Hí thành tên Song Hỷ…Suốt 7 năm làm thầy tuồng gánh hát Tập Ích Ban, ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền đã viết 27 tuồng dựa theo cốt truyện Tàu, dã sử Việt Nam và xã hội mà một số lớn các di cảo còn được nghệ sĩ Phùng Há gìn giữ như tuồng Châu Trần Tiết Nghĩa, Tây Sương Ký, Thố Nhận Oan Ương và tuồng Bội Phu Quả Báo, sáng tác phẩm của ông Phạm Công Bình năm 1923, được ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền nhuận sắc năm 1924, thêm bài ca Dạ Cổ Hoài Lang cho nghệ sĩ Phùng Há hát cho gánh hát Huỳnh Kỳ.Nhờ có học hát Tiều và nghiên cứu lối hát Hí Khúc Trung Quốc, ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền đứng ra tập các tuồng Tàu của ông sáng tác, ông chỉ dạy cho các nghệ sĩ những lối múa theo tuồng Tàu, cách dâng rượu, múa thương, múa đao đến các nghi thức diễn các lớp vào triều, tư thế của tiểu thư, mệnh phụ hay các văn quan võ tướng. Lớp lang, điệu hát, điệu múa ăn khớp với lời ca, bài hát do ông soạn khiến cho các nghệ sĩ lãnh hội được một lối hát mới, thoát khỏi những gò bó khi còn trong thời kỳ Ca Ra Bộ.Năm 1923, ông Nguyễn Trọng Quyền được ông Bầu Lê Phước Georges và nữ nghệ sĩ Phùng Há mời về làm thầy tuồng cho gánhn hát Huỳnh Kỳ. Ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền đã viết 12 tuồng cho gánh hát Huỳnh Kỳ.Năm 1929, ông được mời về làm thầy tuồng cho gánhn hát Hữu Thành của ông bầu Nguyễn Bá Phương ở Thốt Nốt. Ông đã viết 5 tuồng cho gánh hát Hữu Thành.Năm 1935, ông Nguyễn Bữu ở Trà Vinh và cô Phùng Há lập ra gánh hát Phụng Hảo 3, mời ông Nguyễn Trọng Quyền làm thầy tuồng. Ông Quyền đã viết 7 tuồng cho gánh hát Phụng Hảo 3 mà hai vở tuồng San Hậu và Phụng Nghi Đình đến nay vẫn được nhiều đoàn hát khác đem ra sử dụng.Năm 1937, gánh hát Hữu Thành tái sinh và gánh hát Kỳ Quan của ông Năm Hý ở Thốt Nốt thành lập. Hai gánh hát nầy mời ông Nguyễn Trọng Quyền làm thầy tuồng chung cho hai gánh hát. Thời gian này ông Quyền sáng tác 17 tuồng.Năm 1939, ông Quyền làm thầy tuồng cho gánh hát Ngự Bình của Bầu Tư Thới, ông đã sáng tác 8 vở tuồng Tàu và dã sử cho đoàn hát Ngự Bình.Năm 1952, ông Châu Văn Sáu tức Bầu Nhơn cùng với cô Phùng Há lập đoàn cải lương Phụng Hảo 4. Ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền viết một vở tuồng, lấy nước Nhựt làm bối cảnh cho câu chuyện, tựa tuồng là Luống Cày Rướm Máu. Tuồng nầy được hát một tuần lễ tại rạp Nguyễn Văn Hảo, kế đó phải tạm ngưng vì ông bầu Châu Văn Sáu và cô Phùng Há được tin là ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền bị đứt mạch máu não, đưa vào nhà thương Châu Đốc và trút hơi thở cuối cùng vào ngày 21 tháng 9 năm Qúy Tỵ (1953).Cô Phùng Há, ông bầu Châu Văn Sáu, nghệ sĩ Năm Châu, Bảy Nhiêu, Năm Phỉ, Ba Vân, Từ Anh, Kim Cúc, Kim Lan về Thốt Nốt dự lễ an táng ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền tại xã Trung Nhứt, huyện Thốt Nốt. Cô Phùng Há đứng ra xây một ngôi mộ cho ông tại ấp Phụng Thạnh 2, xã Trung Nhứt vì cô Phùng Há vừa là đệ tử, vừa là dưỡng nữ của ông Mộc Quán.Ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền làm thầy tuồng được 50 năm, sáng tác được 85 vở tuồng cải lương nổi danh. Ngoài ra ông còn là một nhà thơ và viết nhiều thể loại với các bút danh Mộc Quán, Thốc Sơn, Hưng Hoành, Cái Sơn Bô Lão.Ngoài 85 tuồng cải lương, ông còn sáng tác 7 tập thơ tuồng, 12 tập sách dạy con cháu cách xử sự ở đời và trên 100 bài thơ các loại. Ngoài tác phẩm Trùng Ma Phụ Giám, ông còn viết Phu Thê Ngôn Luận và 113 câu hát đối đáp. Số sáng tác phẩm của ông vừa được kể ra, hiện nay đã được tái bản và lưu giữ nơi các cơ quan văn hóa của tỉnh Cần Thơ. Các tuồng có bút tích của ông Mộc Quán hiện được cô Phùng Há cất giữ.Các nghệ sĩ cải lương hậu bối ngày nay đều tôn vinh cụ Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền là một vị Hậu Tổ của Cải Lương.
tancogiaoduyen (Theo SG Nguyễn Phương - ĐACTD


Tieng Viet - English - French

Những diễn biến quan trọng ảnh hưởng tới cải lương sau 1975 / RFA
Trong chương trình phát thanh hôm nay, Nguyễn Phương xin trình bày về tình hình sân khấu cải lương ở Việt Nam, theo các bản tin đăng trên các báo sân khấu ở trong nước và qua trang Web cải lương Việt Nam, sân khấu cải lương đang bị suy thoái trầm trọng, nếu không có biện pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, cứu vãn thì có thể nghệ thuật sân khấu cải lương sẽ không thể tồn tại hoặc sẽ chỉ còn lại một số hoạt động yếu ớt giống như trường hợp của nghệ thuật hát bội.
Bấm vào đây để nghe tiết mục này
Tải xuống để nghe

Sân khấu cải lương đang bị suy thoái trầm trọng sau năm 1975.
Để quý thính giả dễ theo dõi, tôi xin nói về rạp hát, về đoàn hát và nghệ sĩ, về chủ trương nâng cấp cải lương, xã hội hóa đoàn hát, xã hội hóa rạp hát. Tôi xin tóm tắt một số diễn biến quan trọng ảnh hưởng tới nghệ thuật và nghệ sĩ cải lương từ sau tháng 4 năm 1975.
Giải tán các đoàn hát tư nhân
Sau tháng 4 năm 1975, tất cả các đoàn hát tư nhân đều bị giải tán hết, nghệ sĩ phải đăng ký hành nghề và chờ sự bố trí của Sở Văn Hoá Thông Tin. Cuối năm 1975 đến năm 1976, Sở Văn Hóa Thông Tin đưa cán bộ xuống làm trưởng đoàn của các đoàn hát cải lương tập thể vừa mới được thành lập, các nghệ sĩ và công nhân sân khấu, ai ở đoàn nào cũng phải do sự phân phối của nhà nước, tuồng tích hát cũng do sự chỉ định của Sở Văn Hóa hoặc do Hội đồng kiểm duyệt của Sở và Hội Sân Khấu chấp thuận.
Các đoàn hát tập thể được nhà nước thành lập có các đoàn Saigon 1, Saigon 2, Saigon 3, Hương Mùa Thu, Minh Tơ, Huỳnh Long, Thanh Nga, Phước Chung, đoàn Văn Công thành phố, đoàn kịch nói Kim Cương, đoàn kịch Bông Hồng, đoàn ca múa nhạc Hương Miền Nam, đoàn hát Tiều, đoàn hát Quảng…
Các rạp hát cũng thuộc nhà nước quản lý, cán bộ nhà nước làm trưởng rạp, trực thuộc của Sở Văn Hoá Thông Tin : có tất cả 34 rạp hát, đó là rạp Hưng đạo, Rạp Quốc Thanh, rạp Quốc Tế, rạp Thăng Long, rạp Kim Châu, rạp Nguyễn Văn Hảo, rạp Thành Xương, rạp Kinh Thành Cầu Muối, rạp đình Cầu Quan, rạp đình Cầu Muối, rạp Long Phụng, rạp đại đồng Cao Thắng, Rạp Văn Hoa, Rạp Long Vân, Rạp Hòa Bình, Rạp đại đồng Gia định, Rạp Cao đồng Hưng, Rạp Hào Huê, rạp Thủ đô, Rạp đông Vũ đài đại Thế Giới, Rạp Kim Biên, Rạp Lệ Thanh B, Rạp Lao động B gần cầu chữ y, Rạp Oscar, rạp Cây Gỏ, đình Minh Phụng, rạp Quốc Thái, đình Bình Tiên, rạp Thuận Thành Dakao, rạp Kinh Thành Tân định. Đó là chưa kể các rạp ở các quận Gò Vấp, quận 4, rạp Hốc Môn, rạp Bình Trưng, …
Từ năm 1995 Chỉ còn 3 đoàn thuộc nhà hát Trần Hữu Trang và đoàn Văn Công Thành phố, còn các đoàn hát khác bị rã hoặc chỉ còn cái bảng hiệu để lâu lâu nhóm một số nghệ sĩ tập tuồng để dự hội diễn sân khấu do Hội Sân Khấu và Sở Văn Hóa Thông Tin tổ chức, sau đó thì gánh hát lại gởi phong màn vô trụ sở, các nghệ sĩ chạy đi hát show ở các quán nghệ sĩ, hoặc quán ca nhạc để kiếm sống cầm hơi. Rạp hát thì chỉ còn một rạp hát Hưng đạo là rạp do nhà hát Trần Hữu Trang quản lý, nên còn hoạt động, để cho các đoàn của nhà hát Tràn Hữu Trang và Văn Công có chổ để hát.
Chuyển đổi công năng
Hỏi :Thưa anh, có phải tại vì các đoàn hát cải lương không có tuồng mới, hát không ăn khách nữa nên các rạp hát cũng phải đóng cửa theo?
Đáp :Như trên tôi đã trình bày, đoàn hát tuy mang danh là đoàn hát tập thể nhưng thật sự là do Sở Van Hoá Thông Tin quản lý, Sở đưa cán bộ của Sở xuống chỉ huy mọi việc ở đoàn hát, từ việc thu nhận nhân sự, diễn viên, lựa chọn tuồng tích theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Rạp hát cũng do Sở Văn Hóa Thông Tin quản lý.
Xin mời quý thính giả nghe phóng viên Báo Lao động phỏng vấn bà Nguyễn Thế Thanh, Phó Giám đốc Sở Van Hóa Thông Tin về vấn đề nầy. Ngày 23 tháng 8 năm 2005. Chúng tôi nhận được bản tin này ngày 8 tháng 3 năm 2006.
Phóng viên Báo Lao động: Thưa Bà, được biết hiện trong gần 20 rạp hát Sở Văn Hóa Thông Tin Thành Phố Hồ Chí Minh quản lý, một số rạp xuống cấp, không còn hoạt động, một số rạp đã bị chuyển đỗi công năng. Dư luận hiện cũng quan tâm tới việc những rạp đã bị chuyển đổi công : Tiền cho thuê các rạp nầy được sử dụng ra sao?
Bà Nguyễn Thế Thanh : Từ mấy năm trước, Khi các nhà hát ký kết các hợp đồng cho thuê rạp đều phải được Sở cho phép. Nay vì lý do cần củng cố cơ sở, chúng tôi có nghĩ tới chuyện hoán đổi một số địa điểm tốt hơn nhưng trong vấn đề nầy lại đang tồn đọng những vướng mắc: Số tiền đền bù khá lớn cho một số đối tác liên doanh sử dụng rạp mà vì nhiều nguyên nhân Sở Văn Hóa Thông Tin phải thanh lý hợp đồng trước thời hạn.
Rạp Lao động A và Lao động B bị chuyển thành vũ trường Monaco, dính líu tới vụ án Năm Cam phải thanh lý hợp đồng là 15 tỉ, Rạp Quốc Thanh ký kết với công ty giải trí Phước Sang chuyển thành nhà hàng tổ chức tiệc cưới, thời hạn kết thúc hợp đồng là năm 2011, Sở muốn kết thúc thời hạn sớm hơn, công ty giải trí Phước Sang đề nghị mức đền bù gần 9 tỉ.
Rạp Long Phụng thời hạn cho thuê làm vũ trường 20 năm, hàng tháng đối tác trả cho nhà hát nghệ thuật hát bội 15 đến 18 triệu đồng tháng, Sở không điều tiết số tiền cho thuê nầy, về rạp Lệ Thanh không cho thuê được mà Sở cũng không có tiền sửa chữa, đang nghĩ tới phương án có nên trả lại cho chủ cũ hay là không? Cần tránh hình ảnh đáng ngại cho tư nhân : " Khi lỗ, nhà nước kêu gọi đầu tư, tới khi có lãi là muốn hất người ta ra .
Ảnh hưởng đến các đoàn hát
Thưa quý thính giả, quý vị vừa nghe Sở Văn Hoá Thông Tin giải thích việc các rạp hát bị chuyển đổi công năng. " Chuyển đổi công năng " là nói theo danh từ chánh trị, giống như nói " tiêu cực " là để tránh cái danh từ " tham nhũng hoặc ăn hối lộ ", Rạp Hát bị chuyển đổi công năng là rạp hát thì không cho các đoàn hát cải lương hát mà rạp hát lại được nhà nước cho các nhà tư bản mới mướn để làm thành vũ trường, quán ăn nhậu hoặc trình diễn thời trang, nhà nước thâu nhiều tiền hơn là chia phần trăm mỗi suất hát.
Rạp hát đối với gánh hát và nghệ sĩ giống như một cửa hàng mua bán đối với giới sản xuất hàng hóa. Người sản xuất ra hàng hóa mà không có cửa hàng để buôn bán sản phẩm của mình thì chỉ còn một cách là mua gánh bán bưng, mua đầu chợ bán cuối chợ chớ không thể nào khuếch trương cơ sở của mình được.
Người nghệ sĩ cải lương với đoàn hát cải lương mà không có rạp hát, nếu muốn hát ắt phải hát đình, hát chợ hoặc là hát ở sân bãi hay ở các tụ điểm văn hóa. Và địa điểm hát nhỏ hẹp, thiếu phương tiện kỹ thuật sẽ ảnh hưởng không ít đến nghệ thuật dàn cảnh, ánh sáng cùng nghệ thuật ca diễn của các diễn viên.
Không có rạp hát cố định, không có rạp hát lớn như ngày xưa, các đoàn hát càng phải thu hẹp số người diễn, giảm thiểu cảnh trí và cả thời lượng biểu diễn. Việc hát trích đoạn cải lương mà không hát cải lương nguyên tuồng, xuất phát từ nguyên nhân không có rạp hát mà ra.
Sân khấu cải lương mất khán giả, nguyên nhân do không có rạp hát là một nguyên nhân quan trọng. Còn nhiều nguyên nhân khác như tuồng tích không đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả.
Nhiều khán giả nhắc lại, sao mà hồi xưa các soạn giả viết tuồng cải lương rất hay, đáp ứng được cảm quan của khán giả. đến nay người ta còn nhắc đến các tuồng Nửa đời hương phấn, Con gái chị Hằng, đôi mắt người xưa, Bọt Biển,…
Tuồng cải lương bị kiểm duyệt
Thưa quý thính giả, các soạn giả hồi xưa được tự do sáng tác, soạn giả thường theo dõi các sự kiện xảy ra ở ngoài đời để đưa những mảnh đời đầy xúc động lên sân khấu. Khán giả xem hát vì vậy mà cảm thấy gần gủi với tuồng tích và diễn viên, vì họ cảm thấy chuyện tuồng cảm động giống như chuyện xảy ra trong xóm mình, chuyện của bạn mình, hay chính là chuyện tâm sự của chính vị khán giả đó.
Sau năm 1975, tuồng tích phải viết về anh Cán bộ, về Người Mới Xã Hội Chủ Nghĩa. Trong thực tế, anh Cán bộ tốt và Người Mới Xã Hội Chủ Nghĩa không tốt như trong tuồng hát, do đó khán giả cảm thấy họ đi coi hát là bị nhà nước tuyên truyền.
Tuồng viết ra tuy là nói được tự do sáng tác, nhưng đề tài của tuồng đó phải được Sở Văn Hóa Thông Tin thông qua đề cương thì mới được vô trại sáng tác. Hội Sân Khấu và Ban Chỉ Huy trại sáng tác lại " kiểm duyệt phác thảo một " của kịch bản đó. Khi phác thảo 1 được thông qua thì mới viết bài ca vô thành cái phác thảo 2. Phác thảo 2 phải được thông qua thì mới được đưa lên sàn tập. Và phải được thêm 3 lần kiểm duyệt nửa đó là " duyệt chạy đường giây ", " duyệt sơ khảo " và " duyệt phúc khảo ", tuồng hát mới được đưa ra cho công chúng xem.
Thưa quý thính giả, một vở tuồng cải lương bị kiểm duyệt tới 5 khâu như vậy thì khi hát ra, khán giả chỉ còn nghe " chỉ thị và đường lối theo định hướng ", chớ không còn là một tuồng cải lương nữa. Vậy nên họ chịu coi tuồng xã hội cũ, tuồng Tàu hơn là là coi các tuồng mới sáng tác.
Việc mở quá nhiều tụ điểm vui chơi, giải trí khắp các quận cũng là một sự cạnh tranh không công bằng đối với nghệ sĩ và nghệ thuật sân khấu cải lương.
Chỉ riêng ở Saigon, có công viên văn hóa đầm Sen, công viên văn hóa Lê Thị Riêng, công viên Lê Văn Tám, Hồ Kỳ Hòa và có hàng chục tụ điểm văn hóa diễn " tấu hài " và kịch nói, bao vây thu hút khán giả, trong khi đó thì chỉ có một rạp hát được hát cải lương là rạp Hưng đạo, mà rạp Hưng đạo lại do 3 đoàn hát của nhà hát Trần Hữu Trang chiếm giữ, các đoàn hát khác muốn hát cải lương thì cũng không có rạp để hát.
Việc giải trí, xem hát đối với khán giả là một thói quen, khi mà cải lương bị chèn ép tới mức là không thể hát được nhiều và thường như hồi xưa nữa, khán giả mất cái thói quen đến rạp coi hát cải lương thì để đở ghiền, người ta ở nhà coi băng vidéo tuồng cải lương.
Cải lương vẫn được khán giả ái mộ nhưng chỉ được xuất hiện khiêm tốn trên truyền hình hoặc băng vidéo, chớ không được hát ở rạp như ngày xưa. Khán giả mất cái thói quen coi cải lương ở trong rạp hát thì dù muốn hay không, cuộc sống của các nghệ sĩ cải lương vẫn phải bị ảnh hưởng, sân khấu cải lương phải bị xuống dốc, phải thua các loại hình vui chơi giải trí khác như loại hình tấu hài, kịch nói mà các công viên văn hóa và tụ điểm đang mở rộng khai thác để mà thu lợi.
Thưa quý thính giả, vì thời gian phát thanh có hạn, Nguyễn Phương xin phép dừng nơi đây. Nguyễn Phương xin cám ơn qúy thính giả chịu khó lắng nghe chương trình này. Xin hẹn tái ngộ với quý thính giả vào giờ này tuần sau.
Những diễn biến quan trọng ảnh hưởng tới sân khấu cải lương từ sau năm 1975
2006.05.01
Soạn giả Nguyễn Phương

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2006/05/01/VnTraditionalMusicAfterApril1975_NPhuong/