Thứ Năm, 13 tháng 11, 2008

Nghiệp chướng ( vọng cổ 4 câu )



Vọng Cổ
NGHIỆP CHƯỚNG
Tác giả : Thanh Tòng
Nói lối :
Nghiệp cầm ca có người thành danh sáng chói .
Nhưng cũng có người lận đận gian nan
Người thì sáng như sao Bắc Đẩu . lớn tợ Thái Sơn
Cũng có kẻ như ngọn đèn mờ hiu hắt
( Gác vọng cổ ) Có người đêm đêm được kẻ đón người đưa được vinh danh như Thần tượng và nhận được những tràng pháo tay tán thưởng của khán giả tri âm , mộ điệu bốn phương .....
Ca vọng cổ
Câu 1/ Trời ..... Trên sàn diễn họ uy nghi lộng lẩy chói ngời ..... Họ cất tiếng ca như nhung căng lụa trải , như tiềng chuông đồng trên điện Thánh u linh (-) Mỗi vai diễn của họ trở thành hình tượng riêng tư , mỗi nét diển của họ là khuôn vàng thước ngọc . Họ là tài năng trên đỉnh cao Nghệ thuật , xứng đáng cho đời tôn phong danh Nghệ sỉ .....
Câu 2/ Bên cạnh nhửng tuổi tên tài cao đức sáng , có những số phận nhỏ nhoi cũng sống kiếp ca cầm ..... Nghiệp dỉ trót mang thành định mệnh kiếp tằm .... Hào quang sân khấu có một ma lực siêu hình mảnh liệt , cuốn hút chúng tôi vào vùng xoáy linh thiêng . Có người theo nghề từ buổi thiếu niên đến bạc tóc vẫn chưa tạo nổi danh xưng Nghệ sỉ , mà không dám rời bỏ ngôi Thánh đường Nghệ thuật dù trôi dạt sông hồ , gạo chợ nước sông .....
Nói lối :
Có người hỏi tại sao chúng tôi làm cô Đào anh Kép
Cho cuộc đời nhiều nổi phong ba
Kiếp phiêu linh không cửa không nhà
Khi bóng xế tuổi già như xác ve khô khi mùa Đông ập đến
( Gác vọng cổ ) Đó cũng là câu hỏi lớn đeo đẳng chúng tôi từ khi tập tểnh l àm nghề ca hát . Cho đến phút lâm chung cũng không thể trả lời thông suốt được là bời tại sao chúng tôi làm anh Kép cô.....
Ca vọng cổ
Câu 5/ Đào ..... Chút son phấn y trang mà biến hiện muôn màu . Chúng tôi trót một ngày ăn cơm Tổ , rồi Nghiệp theo suốt đời như xiềng xích trói chân (-) Có những đêm gió mưa không được lên sàn diễn làm Hoàng Hậu - Thi Nhân , dưới gầm sân khấu chúng tôi cất tiếng ca ngâm thê thảm gởi vào không gian vô tận . Khi mệt thiếp hồn lâng lâng bay bổng vào cỏi lạ lung linh có nhạc trổi tiêu thiều .....
Câu 6/ Ngâm thơ :
Chờ mấy trăm Thu mới tái sinh
Kiếp Tằm còn vướng nợ Nhân gian
Sống làm Đào Kép chưa tan chướng
Chết phấn son theo nắm xương khô
Mượn tiếng hát lời để ca bày tỏ ghét yêu , mượn giả chân cuộc đới vẽ chân dung Thiện ác . Tổ Nghiệp chọn chúng tôi hay chúng tôi chọn nghề ca hát mà không dám rời bỏ sân khấu khi giáp trụ xác xơ son phấn phai màu .....
Có ai đoái hoài thương người Nghệ sỉ không tên , bởi nặng nợ dâu phải nhả tơ cho đến ngày hoá kiếp . Nhưng nếu được tái sinh làm người về dương thế chúng tôi sẽ cầm tờ giấy tiền vàng lên sân khấu đầu thai
Phạm thanh Tòng

Bài viết đầu tiên




Quê hương Đàn ca tài tử








Quê hương tôi và đàn ca Tài tử



Đình Vạn Phước thuộc xã Mỹ Lệ huyện Cần Đước tỉnh Long An 14 năm qua luôn duy trì một sinh hoạt văn nghệ có ý nghĩa: liên hoan đàn ca tài tử Nam bộ định kỳ vào đầu năm Chính xác là vào các ngày 16- 17- 18 tháng giêng Âm lịch ( Đây cũng là ngày Lễ Kỳ yên Đình Vạn Phước )

Nhiều Nghệ sĩ tài danh bộ môn Cải lương đến đây vào những ngày nầy để tưỡng niệm nhớ công ơn người đã chỉnh biên nhạc Cung Đình thành âm nhạc Đàn ca tài tử và Cải lương . Nghệ Sĩ Út Trà Ôn , Tấn Đạt , các Nhạc Sĩ tài danh TP HCM như Nhạc sĩ Ba Tu v v..
Mỗi lần liên hoan, nơi đây quy tụ nhiều nhóm đàn ca tài tử từ Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh đến hầu khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ như Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng...
Không hiểu vì sao sinh hoạt văn hóa này chưa được báo chí "chăm sóc" như nhiều lễ hội khác. Truyền hình Đồng Nai là đơn vị nhiều lần ghi hình và cho phát sóng các tiết mục từ liên hoan này. Khi đến tham dự liên hoan hôm 23/2, hỏi những thành viên Ban Tổ chức, tôi được biết là rất ít nhà báo đến đưa tin phản ánh – kể cả báo chí Long An.



Cần Đước (tỉnh Long An) từng được đi vào ca dao dân ca, văn thơ và có nhiều sản vật nổi tiếng.



" Gạo cần Đước , nước Đồng Nai "



Và có những câu thơ hài hước thời kỳ đánh Mỹ :



" Long An trung dũng kiên cường ,



Qua sông quýnh giặc mượn xuồng hõng cho "



Đây là vùng đất sát nách Sài Gòn nên cũng như Nhơn Trạch (Đồng Nai), Củ Chi, Trảng Bàng, Đức Hòa... Cần Đước, Cần Giuộc là vùng chiến sự ác liệt trong chiến tranh. Ngay từ khi người Pháp đổ quân xâm chiếm Nam bộ, người dân Cần Đước, Cần Giuộc đã tự phát đứng lên chống giặc. Cần Đước, Cần Giuộc là nơi hội tụ nghĩa quân khởi nghĩa Trương Định, Thủ khoa Huân, Nguyễn Trung Trực.... Cách ngôi đình Vạn Phước không xa là chùa Tôn Thạnh (thuộc huyện Cần Giuộc), nơi được Nguyễn Đình Chiểu nhắc đến trong một bài Văn tế nổi tiếng.
“Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai”. Nước Đồng Nai thì bây giờ dân Biên Hòa và dân thành phố Hồ Chí Minh uống hằng ngày, không biết có ngon không chứ gạo Nàng Thơm chợ Đào của Cần Đước thì ngon thiệt (có điều đó là giống lúa dài ngày và năng suất thấp).
Cần Đước không chỉ có gạo ngon mà mà còn nổi tiếng về đờn ca tài tử, được xem như “đất hành hương” của những tín đồ của đàn ca tài tử Nam bộ.



Địa chí Long An cho biết rằng , thời phong trào Cần Vương chống Pháp nửa cuối thế kỷ 19 nổ ra, nhạc quan Nguyễn Quang Đại của triều đình Huế từ bỏ cung đình vào đất phương Nam tham gia kháng chiến. Trong thời gian này, ông là người cách tân nhạc lễ cung đình kết hợp với dân nhạc miền Trung để tạo ra dòng nhạc mang đậm màu sắc phương Nam mà ngày nay chúng ta gọi là nhạc tài tử Nam bộ. Nhạc sư Nguyễn Quang Đại lúc cuối đời đến sống ở Cần Đước - Cần Giuộc, từng trú ngụ tại chùa Tôn Thạnh vì yêu áng hùng văn "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" của nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu, đồng hương xứ Huế với ông. Sau đó, ông về sống ở nhà một người dân tại vùng chợ Trạm (Cần Đước) dạy nhạc lễ tài tử cho bà con trong vùng. Danh tiếng ông vang xa: học trò nhiều nơi ở miền Tây Nam bộ đến học ca, học đàn tranh, đàn kìm, đàn nhị...
Nhạc quan Nguyễn Quang Đại được xem là ông tổ của nhạc tài tử Nam bộ và cải lương ngày nay. Bài vị của ông được nhân dân làng Mỹ Lệ rước vào thờ tại ngôi đình Vạn Phước. Và hàng năm, lễ giỗ ông cũng là lễ cúng kỳ yên tại ngôi đình này. Trong phần hội của lễ cúng kỳ yên không thể thiếu đàn ca tài tử.