HÌNH ẢNH MẸ TRONG THI CA VIỆT NAM
Tuyết Mai
Mẹ là dòng suối tắm mát. Mẹ là dòng sông êm đềm. Mẹ là vòng tay ấm áp che chở cuộc đời con… Có không biết bao nhiêu thơ, nhạc, ca dao ca ngợi tình mẹ thương con bao la như trời cao biển rộng. Trên đời này có lắm kỳ quan, nhưng không có kỳ quan nào uy nghi và rực rỡ bằng “Trái Tim Của Mẹ”. Tình Mẹ thương con là một thứ Tình Thiên Thu Bất Diệt. Trong ngôn ngữ của loài người khắp thế giới, tiếng gọi “mẹ” là tiếng nói đầu tiên của trẻ thơ. Không phải có một sự ngẫu nhiên trùng hợp mà theo quy luật ngữ âm tiếng M là tiếng đầu đời của trẻ thơ, bật ra từ vành môi bập bẹ mới tập nói, để đáp trả lại tình mênh mông bao la như trời biển mẹ dành cho con. Người Việt Nam, ở miền Bắc gọi mẹ là “mẹ” , người Trung gọi là “mạ”, người Nam gọi là “má”. Người Pháp gọi là “Maman”, người Đức (Mutter), Người Bồ Đào Nha (Maê), Ba Lan (Matka) Tiệp Khắc (Mamicka), Người Nga gọi là (Mamb). Người anh là “mother” .. Trong ký ức của con, hình ảnh mẹ đơn sơ như hương lúa, mỏng mảnh như hoa cà, Nhà Thơ Lưu Trọng Lư đã để lại một bài thơ bất hủ về mẹ: “Mỗi lần nắng mới hắt bên song. Xao xác gà trưa gáy não nùng; Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng, Chập chờn sống lại những ngày không Tôi nhớ mẹ tôi thuở thiếu thời Lúc người còn sống tôi lên mười Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội Áo đỏ Người đưa trước giậu phơi Hình dáng mẹ tôi chửa xóa nhòa Hãy còn mường tượng lúc vào ra Nét cười đen nhánh sau tay áo Trong ánh trưa Hè, trước giậu thưa” (Nắng Mới) Huy Cận thương mẹ một đời vất vả hy sinh cho chồng con, nhưng không một phút nào buồn lòng, chán nản cuộc đời nhiều cay đắng: “ Quanh năm có nghỉ ngày nào! Sớm khuya làm lụng người hao mặt gầy Rét Đông đi cấy đi cày Nóng Hè bãi cát, đường lầy đội khoai Bấu chân khỏi ngã dốc nhoài Những chiều gánh nước gặp trời đổ mưa”. (Mẹ ơi! Đời Mẹ) Nhà Thơ Hồ Dzếnh, Cha là người Trung hoa, Mẹ là người Việt, Ông đã viết lời thơ ca ngợi người phụ nữ Việt Nam! “Cô gái Việt Nam ơi! Từ thuở sơ sinh lận đận rồi Tôi biết tình cô u uất lắm Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi. Cô gái Việt Nam ơi! Nếu chữ Hy Sinh có ở đời Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực Cho lòng cô gái Việt Nam tươi” (Cảm Xúc). Trong những nhà thơ nổi tiếng thời tiền chiến không mầy người viết về tình mẹ, phần nhiều viết về tình yêu như Tản Đà, Nguyễn Khuyến, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính, Hàn Mạc Tử… Nhưng phần nhiều những tập thơ xuất bản ở hải ngoại sau năm 1975, thì đề tài quê hương và mẹ rất phổ thông. Có lẽ là vì những kẻ tha hương, ai ra đi cũng mang theo trong lòng một mảnh vườn hoài niệm. Trong mảnh vườn hoài niệm đó có dòng sông kỷ niệm, có những đêm trăng sáng, những con đường ngập nắng, đưa tuổi thơ ngọt ngào về mọi nẽo say mơ…lòng của ai mà chẳng có một quê hương với hình ảnh một bà mẹ già lưng còng tóc bạc? Nhà thơ Nguyễn Vô Cùng đã nhớ về mẹ : ”Mênh mông biển lớn sóng dâng trào Lòng mẹ ngàn năm vẫn dạt dào Chua xót thân già đời lận đận Ngậm ngùi phận trẻ kiếp lao đao Non buồn chạnh nhớ dường tê tái Cửa vắng vời trông luống nghẹn ngào Nhớ mẹ tháng năm mòn mỏi đợi Nỗi lòng canh cánh núi ngàn cao” Quê hương Việt Nam với chiến tranh lâu dài, có những người chồng phải đi chinh chiến miền xa, có người hy sinh ngoài chiến trận, bà mẹ Việt Nam vừa làm cha, vừa làm mẹ dạy dỗ, tần tảo nuôi con. Rồi khi chiến tranh chấm dứt bà mẹ Việt Nam chưa hết nỗi mừng vui hòa bình thì chồng con chịu cảnh lao tù học tập . Người đàn bà Việt Nam lại phải lặn lội rừng sâu núi thẳm để thăm nuôi chồng, con. Có lẽ người đàn bà Việt Nam là người chịu nhiều khổ đau nhất thế giới. Viết về nổi khổ của bà mẹ Việt Nam trong chiến tranh , Nhà thơ Phan Khâm có mấy vần thơ: “Lặn lội thân cò khóc nỉ non Mùa Hè đỏ lửa tháng sinh con Mẹ ở đầu ghềnh cha cuối thác Chiều ơi, quê ngoại nắng chon von. Ai về ngoài ngoại con theo với Quê Mẹ Đông Hà thuở chiến chinh Mẹ lấy chồng gian nan chới với Giống như đời mẹ cũng đao binh”. (Chiều Ơi Quê Ngoại) Hình ảnh của Mẹ sau cuộc chiến: “Ngày Đông mưa nhỏ hàng hiên Mẹ mang thùng hứng cho quên nỗi sầu Mẹ làm mọi việc – Cha đâu? – Cha con tù ngục rừng sâu mịt mù!”. (Ngày Đông ) Hoàng Minh Hùng Những khổ cực nghiệt ngã đã làm oằn lưng mẹ, làm khô héo đôi tay gầy guộc, tô đậm trên trán, trên đôi gò má của mẹ nhiều vết nhăn nheo. Những tàn phai của thời gian được ghi dấu trên mái tóc bạc phơ. Nhà Thơ Vương Đức Lệ xót xa thương mẹ: “Thương cái cò lặn lội bờ sông Mẹ về chợ cái tôm, cái tép Ấm mái tranh xưa chiều hôm khói bếp Bữa cơm nào, cơm gạo mới đưa hương… Ánh lửa hồng reo vui nồi cám lợn Vười sau xanh, lấm tấm dấu chân gà Trên cành trĩu, trái na vừa mở mắt Lời ca dao mẹ hát buổi trưa xa… (Nhớ Mẹ Ta Xưa) Những ngày các con còn nhỏ dại, mẹ một đời tần tảo, chịu khổ nhọc, hy sinh nuôi con nên người . Đến khi các con khôn lớn thì mỗi đứa một nơi, như núm ruột của mẹ bị cắt ra, bỏ đi mỗi nơi một khúc, còn nỗi đau nào hơn. Mẹ già chiều chiều ngồi tựa cửa mong con ở phương trời: “Chắt chiu cùng năm tháng Mẹ tần tảo ngược xuôi Nuôi con ngày khôn lớn Mỗi đứa một phương trời Nay tuổi già vóc hạc Thui thủi bóng vào ra Muộn phiền vai mẹ gánh Liêu xiêu buổi chiều tà” (Thuơng mẹ khổ một đời) Vương Đức Lệ Dù bao nhiêu tuổi già đi nữa, mất mẹ con cũng bơ vơ như đứa trẻ mồ côi, cả đời mình không lớn khôn thêm. Nhà thơ Phan thị Ngôn Ngữ rất lo “Xa mẹ rồi con biết sẽ về đâu?” “Dáng mẹ gầy-thấp thoáng buổi hoàng hôn Tóc mẹ trắng-chia đường trăm lối rẽ Con đứng một mình-trước sau quạnh quẽ Một giòng sông mất hút cuối chân trời Con mất mẹ rồi con sẽ mồ côi Trong góc tối-con âm thầm khóc mẹ Trong góc tối-một mình con lặng lẽ Chỉ mình con-tiếng gỗ nẻ đêm sầu Xa mẹ rồi con biết sẽ về đâu!” Hình ảnh mẹ luôn đơn sơ thân thiết như vườn xanh bóng mát, như hoa cao rụng trắng thềm nhà, như sáo diều vương thanh trúc…Mẹ là dáng dấp quê hương, nghìn trùng yêu dấu, là tiếng võng lời ru..Nghiêu Minh làm thơ ca tụng Mẹ: “Mẹ là con đường đưa con đến Chân Trời Mẹ là chiếc cầu đưa con qua bờ sông rộng Ôi bờ sông rộng Nhân Gian”. Hình ảnh Mẹ luôn sống trong lòng những đứa con lưu vong, hy vọng một ngày được trở về với Mẹ: “Mùa Xuân nào con sẽ về thăm Má Không bằng chim sâu con vẽ trong mơ Mà bằng dạt dào gieo nhân gặt quả Má giữ gìn con trong suốt nguồn thơ” (Xuân Nào Con Sẽ Vế Thăm Má) Nghiêu Minh Chẳng có gì đổi được tình mẹ, đổi được nụ cười mộc mạc, đơn sơ trên môi Mẹ hiền, nhà thơ Trần Trung Đạo đã hoài niệm về nụ cười của mẹ: “ Nhắc chiến phone lên bỗng lặng người Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi Ví mà tôi đổi thời gian được Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười…” Ngày đi con hẹn sẽ trở về, nhưng con vẫn biền biệt phương trời cho mẹ mỏi mắt chờ mong. Hoàng Trùng Dương nhớ buổi chia tay: “ Thu sang lá vẫn cứ rơi Xuân về Mẹ vẫn cuối đời trông con Tháng năm mẹ vẫn mỏi mòn Hao gầy thân xác chon von đỉnh đầu Nhớ con lệ nhỏ canh thâu Ngày đêm Mẹ vẫn nguyện cầu bình an” Rồi ngày con về thì mẹ đã ra đi… “Con về trong nỗi cô liêu Nghĩa trang vắng lạnh một chiều cuối Đông Còn đâu ngày tháng đợi trông Đứa con viễn xứ phiêu bồng ngàn khơi” (Khóc Mẹ) Hoàng Trùng Dương. Nói sao cho hết tình mẹ thương con. Mẹ là bóng mát của lủy tre làng, là khói lam chiều hoàng hôn nơi thôn giả, là những kỷ niệm thật êm đềm thuở ấu thơ . Tất cả sẽ trở nên nghẹn ngào chua xót trong tâm tư của những người con đã mất mẹ. Vậy những ai may mắn còn mẹ hãy ý thức mình là người có phước, hãy hân hoan, trân quý niềm vui còn có mẹ, vì: “Con có mẹ con còn tất cả Mẹ đi rồi, tất cả cùng đi Trong huyệt lạnh mẹ có nghe con khóc Khóc bây giờ và mãi mãi ngàn sau”
Tuyết Mai