Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2009

Giổ Tổ truyền thống ngành sân khấu

giỗ tổ truyền thống ngành sân khấu (12/8 âm l��

Hàng năm, cứ đến ngày 12 tháng 8 âm lịch, trong giới nghệ sĩ khắp nơi trên đất nước đều hướng về tổ nghiệp, với tinh thần Tôn sư trọng đạo cùng nhau tổ chức lễ Giỗ Tổ, nhằm cổ vũ, động viên nghệ sĩ, diễn viên các đoàn hát cải lương, hát bội, xiếc, đờn ca tài tử và ngành Sân khấu tỉnh Tiền Giang cũng không ngoại lệ.

Với đạo lý Uống nước nhớ nguồn là niềm tự hào của toàn dân. Nước Việt Nam có được nền văn hóa phi vật thể; đó là loại hình sân khấu nghệ thuật truyền thống hát bội, cải lương, đờn ca tài tử cá biệt rất độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc có từ lâu đời, được bảo lưu và tồn tại đến ngày nay.

Thật hãnh diện thay! Chúng ta là những người được thừa hưởng, thưởng thức di sản nghệ thuật độc đáo mà các bậc tiền nhân đã dày công sáng tạo trải qua nhiều đời, ngày càng phong phú hơn; tuy nhiên trong giới nghệ sĩ chuyên nghiệp rất ít người chịu tìm hiểu vị Tổ sư đã truyền lại nghề nghiệp cho hậu thế đó là ai. Bởi lẽ vị Tổ sư ngành Sân khấu có rất nhiều truyền thuyết.

Truyền thuyết dân gian:

Thuở xa xưa có 03 vị thái tử tên là, CÀN, CHƠN và CHẤT không màng cung son điện ngọc, vào một đêm khuya lẽn trốn theo đoàn hát, cuộc sống rày đây mai đó, thiếu thốn, vất vả trăm bề, có lúc đói khát, vào một đêm mưa giông dữ dội, thái tử Chơn và Chất lâm bệnh nặng, đoàn hát tan rã, nhà Vua hay tin sai người rước hai thái tử về hoàng cung chữa trị. Sau một thời gian chẳng may hai thái tử từ giã cõi trần. Thái tử Càn thương tiếc hai em và nhớ đến anh em trong đoàn lòng buồn khôn nguôi, vào một đêm mưa to, liền trốn Vua cha bỏ hoàng cung để ra đi làm vua trên sân khấu, ngài vừa là diễn viên, bầu gánh, thầy tuồng, dạy nghề ca hát trong dân gian; cuộc sống giản dị, chấp nhận gian lao với hành trang mang bên mình vỏn vẹn chỉ có vỏ trái bầu khô và người được bạn gái bán hàng gánh đùm bọc qua ngày.

Mùa mưa kéo dài, đoàn hát ế ẩm không sao sống được đành rã gánh chia tay, mỗi người mỗi ngã. Thái tử Càn cũng cùng chung số phận với hai em về cõi vĩnh hằng đêm 12/8 âm lịch. Gánh giang san của ngài đó là trái bầu khô đựng hành trang mà người đã quẩy suốt quãng đường gian khổ làm nghệ thuật, giờ đây đã trôi theo dòng suối.

Người đàn bà bán hàng gánh nhìn thấy trái bầu trôi không sao ngăn được dòng lệ, liền vớt trái bầu và đi ngược dòng suối tìm thái tử Càn. Đến nơi gò cao. Hỡi ơi! Thái tử Càn đang tựa lưng vào gốc cây ngô đồng đã chết tự bao giờ mà miệng vẫn nở nụ cười mãn nguyện. Người bán hàng gánh góp nhặt trong thúng chỉ còn có mấy cái bánh tráng nhúng nước, bày ra để cúng tế, người bạn tâm huyết.

Truyền thuyết lịch sử:

Vào thời nhà Đinh sứ quân đầu tiên về quy phục Đinh Bộ Lĩnh (968 - 980) có bà Phạm Thị Trân là người giỏi về ca múa, được Đinh tiên Hoàng đế phong tước bà là Ưu Bàààà để dạy các cung nữ ca múa phục vụ trong cung đình, làm trò vui cho Vua, quan; lúc trà dư tửu hậu và un đúc tinh thần chiến sĩ trong quân ngũ.

Chính sử:

Danh sĩ Đào Duy Từ (1572 -1634) là nhà nho uyên bác viết rất nhiều tuồng hát bội còn lưu truyền đến ngày nay mà các đoàn hát bội dùng vào việc cúng tế các đình thần trong ngày lễ hội Lệ Kỳ Yên. Vở tuồng kinh điển như tuồng San Hậu hồi một, hồi hai; hồi ba và nhiều vở khác nữa.

Còn rất nhiều truyền thuyết và huyền thoại nói về Tổ ngành Sân khấu truyền thống; như vậy, cho chúng ta thấy rằng nguồn gốc vị Tổ sư có nhiều truyền thuyết và huyền thoại khác nhau.

Tuy nhiên, từ xưa đến nay phần đông chọn ngày giỗ Tổ là ngày 12 tháng 8 âm lịch dựa theo truyền thuyết dân gian. Phải chăng cuộc đời những nghệ sĩ tiền thời và hiện tại dám chấp nhận cuộc sống nghèo nàn với tâm huyết vì nghệ thuật cống hiến cho khán giả? Thật đáng trân trọng thay!

Với phương tiện thông tin đại chúng nghe, nhìn ngày nay và cuộc sống theo đà phát triển của xã hội nên mọi người ít có dịp đến sân khấu để thưởng thức một tuồng hát kéo dài hai đến ba tiếng đồng hồ, vì vậy những đoàn hát bội và cải lương cũng rã gánh dần, giờ đây chỉ còn vài đoàn hát bội chủ lực chính thức hoạt động cầm chừng, một số nghệ sĩ tìm kế sinh nhai bằng nghề tay trái, thỉnh thoảng gom lại để phục vụ đám cúng đình Lệ Kỳ Yên.

Nhiều loại hình nghệ thuật mới xâm nhập vào nước ta, âm nhạc thời đại đã chi phối phần nào, nền âm nhạc cổ dần dần xuống dốc rồi đây nghề hát bội lần hồi không có người kế thừa.

Được biết, hiện nay nước ta còn duy trì được 02 đoàn hát bội quốc doanh đó là: Đoàn hát bội TP. Hồ Chí Minh và Đoàn hát bội tỉnh Quảng Nam về khu vực miền Đông Nam bộ và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long không có đoàn hát bội chủ lực mà dựng lại với bảng hiệu là Câu lạc bộ hát bội do một số anh chị em nghệ sĩ yêu nghề tập hợp lại đi hát, phục vụ trong các cuộc Lệ Kỳ Yên.

Ông bầu Lân, chủ nhiệm CLB HÁT BỘI TẤN PHƯỚC, TỈNH TIỀN GIANG cho biết: Suốt chặng đường 40 trong nghề niềm vui và nỗi buồn lẫn lộn.

Hiện nay, các ngôi đình lệ cúng tập trung vào các tháng 02 đến tháng 6 rồi tháng 10 và tháng 11 do đó không có đủ lực lượng để đáp ứng phục vụ theo yêu cầu vì lịch biểu diễn không còn chỗ trống, CLB chỉ hoạt động trong mấy tháng, mỗi tháng hát được bốn hoặc năm chầu là tối đa, còn lại những ngày nghỉ anh chị em ế độ phải làm nghề tay trái để mưu sinh như vợ tôi, bà bầu đây, là nghệ sĩ cũng phải làm nghề bán đồ la qua ngày vậy. Tôi xin thuật lại trường hợp thật thú vị. THỜI XƯA HÁT BỘI HUY HOÀNG, NGÀY NAY HÁT BỘI Ế HÀNG MÀ CHẠY SÔ.

Nguồn:
http://www.tiengiang.gov.vn


Ông Tổ Cải Lương

Ông Tổ Cải Lương tên thật là Tống Hữu Định, bút hiệu Tịnh Trai, người ta còn gọi là Thầy Phó Mười Hai - gọi Thầy Phó vì ông từng làm Phó Tổng đất Vãng (sau đổi thành tỉnh Vĩnh Long) và gọi Mười Hai là theo hạng thứ trong gia đình. Ông sanh năm 1896 tại làng Long Châu, Vĩnh Long và mất năm 1932.

Ông là một danh sĩ tài hoa, vốn dòng dõi một công thần nhà Nguyễn - ngài Tống Phước Hiệp, thần hoàng bốn tỉnh - người có công trùng tu và tân tạo Văn Thánh miếu mà cũng là người nâng đỡ chu toàn nền cổ nhạc Long Hồ.

Nhưng ông cũng là người ăn chơi nổi tiếng, hào hoa đứng đầu tỉnh Vĩnh Long vào những năm 1915-1920. Lúc sanh tiền ông hay tổ chức đờn ca tiệc tùng, đá gà nòi, bài bạc, đờn hát, ngâm thơ đủ thứ. Đệ nhất thế chiến 1914-1918, ông tổ chức hát dạo quyên tiền giúp quốc trái nhưng chưa bao giờ lên hát trên Sài Gòn. Họa chăng ông là người ham dạo chơi đó đây, nên ông từng ghé Mỹ Tho ngủ đêm tại đây để chờ sáng đáp xe lửa lên Sài Gòn, nhân dịp đó có lẽ ông đã từng xem hát bóng có đờn ca tài tử tại Mỹ Tho, cũng như ông từng lên ngồi uống rượu ở nhà hàng P.T. (góc Lê Thánh Tôn - Thủ Khoa Huân) và tại nhà hàng Lương Hữu, khách sạn ông Bảy Phương (đường Nguyễn Thiệp), ông thấy giàn đờn tài tử, ông chớp để bụng mang về nhà bày đờn ca ngồi trên ván ngựa v.v.

Tuồng Cải Lương được diễn lần thứ nhất tại nhà Thầy Phó Mười Hai (Vũng Liêm) là ngày 15-11-1918, kế đó diễn nơi Sa Đéc và Vũng Liêm.
Lúc bấy giờ, nói đến tên ông Tống Hữu Định, trong giới âm nhạc tài tử ai đều cũng biết. Ông là người có sáng kiến khai sinh ra điệu ca bộ, ông tổ chức nghệ thuật sân khấu Cải Lương. Khoảng đầu năm 1916, trong một buổi hòa tấu nhạc tại nhà ông, bài ca Tứ Đại Oán "Bùi Kiệm Thi Rớt Trở Về" được trình diễn bằng hình thức "ca ra bộ", vừa ca vừa ra bộ. Ba người thủ vai: Bùi Ông, Bùi Kiệm, Kiều Nguyệt Nga (Cô Ba Định thủ vai Nguyệt Nga, ông giáo Du trong vai Bùi Ông và ông giáo Diệp Minh Ký trong vai Bùi Kiệm).

Ông Tống Hữu Định nổi tiếng là người hào hoa phong nhã hiếu khách, say mê nghệ thuật đờn ca, hàng tuần vào ngày thứ bảy đều có tổ chức hòa nhạc, tiệc tùng tại nhà ông với đôi ba người tài tử nghệ sĩ. Phong trào âm nhạc tài tử nhờ đó mà phát triển mạnh mẽ ở miền Tây cách đây 75 năm. Ông vừa là người có tâm hồn nghệ sĩ vừa là một nhà thơ, đã đứng ra vận động thành lập Hội Văn Thánh, quyên tiền trùng tu Văn Thánh miếu Vĩnh Long.

Theo Hậu Trường SKCL của Trần Trung Quân


Đờn ca tài tử trong không gian văn hóa Nam bộ

Đờn ca tài tử trong không gian văn hóa Nam bộ

Cứ mỗi dịp Xuân về, lòng tôi lại bâng khuâng nhớ đến cái Tết cổ truyền rộn ràng tại làng quê Vĩnh Kim thân thương của mình hơn nửa thế kỷ trước đây, với bao nhiêu lễ nghi tập tục được mọi người trân trọng gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Ấn tượng sâu sắc nhứt đối với tôi trong ba ngày Tết chính là vào mùng Hai, một ngày hết sức quan trọng của đại gia đình chúng tôi. Tất cả mọi người trong dòng họ tụ tập tại nhà người cậu thứ Tư, cũng là nhà hương hỏa thờ cúng ông bà, để vừa vui Xuân vừa dự buổi hòa nhạc theo phong cách đờn ca tài tử miền Nam. Đặc biệt ngày hôm đó không chỉ bà con lối xóm mà cả người mộ điệu ở các làng lân cận cũng đều tụ tập tới đây rất đông để thưởng thức âm nhạc.

Gia đình tôi vốn có truyền thống về đờn ca tài tử ở Tiền Giang. Ngày xưa người đứng đầu một nhóm đờn ca tài tử gọi là “chủ soái”, theo cách gọi của những người trong giới. Ở làng Vĩnh Kim, ông nội tôi là Trần Quang Diệm được xem là một chủ soái, được giới đờn ca tài tử nhắc đến nhờ tiếng đờn tỳ bà đặc biệt và nhiều sáng tác của ông dành cho loại đờn này. Đến đời cha tôi - ông Trần Quang Triều - cũng là một người đờn tài tử danh tiếng của làng với tiếng đờn kìm gân guốc hay tiếng độc huyền nỉ non. Cha tôi còn chế ra cách lên dây đờn kìm rất đặc biệt mà ông đặt tên là dây “Tố lan” dùng để đờn hai bản Văn thiên tường và Tứ đại oán. Ở làng Đông Hòa (Mỹ Tho) thì có ông ngoại tôi là Nguyễn Tri Túc rất say mê âm nhạc và chuyên về đờn kìm, đờn cò. Cả ba người con trai của ông, cậu Tư Lạc, cậu Năm Khương và cậu Mười Ân đều sành đờn ca tài tử và tiếng đờn của người nào cũng rất điêu luyện.

Lứa con cháu như chúng tôi được hòa đờn với những người thầy và các bậc trưởng thượng thì rất tự hào. Đây là dịp để học hỏi thêm, mỗi người trong khi đờn vẫn lắng nghe người khác, giữ đúng nhịp, đôi khi có những câu chuyền từ câu cuối lớp nầy qua câu đầu lớp khác, lại có những lúc im lắng để cho một hai nhạc cụ độc tấu hay song tấu rồi sau đó cùng hòa tấu mà mỗi lần hòa với nhau đều có sự sáng tạo bất ngờ.

Buổi “khai đờn” long trọng vào ngày mùng Hai Tết hàng năm - tựa như văn nhân “khai bút” hay nhà nông “khai canh” - chính là một nét đẹp truyền thống mang đậm tính văn hóa dân tộc, mà tiếc thay nhiều năm nay do hoàn cảnh mỗi người một phương nên không còn duy trì được nữa.

Vài nét về đờn ca tài tử

Đờn ca tài tử hình thành vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở Nam bộ. Các nhạc sĩ, nhạc quan của triều Nguyễn theo phong trào Cần Vương vào Nam đã đem theo truyền thống Ca Huế. Trên đường đi họ dừng chân ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, từ đó tiếng đờn giọng ca xứ Huế mang thêm chút hương vị xứ Quảng. Nhưng khi vào đến miền Nam thì tiếng đờn miền Trung đã thay đổi rất nhiều, thậm chí một số bài bản tuy mang cùng tên mà nét nhạc đã khác xa. Bản chất phóng khoáng của con người và nếp sống tại miền Nam khiến cho các bài bản không còn y khuôn bản gốc ngày xưa. Người đờn người ca không muốn giữ nguyên xi như thầy đã dạy mà luôn có đôi nét thêm thắt, thay đổi, tô điểm, đưa một chút ta hòa vào trong chúng ta khiến những bài bản đậm đà thấm thía hơn. Mặt khác, do lòng luôn luôn thương nhớ cội nguồn nên các điệu các hơi của đờn ca tài tử đều phảng phất nỗi buồn và được người mộ điệu ưa thích.

Có người cho rằng chữ “tài tử” có nghĩa là không chuyên nghiệp, không phải nhà nghề. Nhưng thật ra ý nghĩa chữ “tài tử” ở đây là “người có tài” như trong câu dập dìu tài tử giai nhân (Kiều). Ngoài ra, “tài tử” còn ám chỉ việc không lấy đó làm nghề, không dùng tiếng đờn giọng hát làm kế sinh nhai mà chỉ để giải trí, để gởi gắm tâm sự riêng, hay cùng với bạn đồng điệu hòa đờn cho người mộ điệu thưởng thức.

Nhưng không phải vì vậy mà những người đờn ca tài tử có trình độ nghệ thuật thấp. Ngược lại họ thường tập luyện rất công phu, phải theo thầy học từ chữ nhấn, chữ chuyền, phải rao sao cho mùi, sắp chữ sao cho đẹp và tạo cho mình một phong cách riêng. Vì vậy muốn trở thành một người đờn ca tài tử đúng nghĩa phải trải qua một thời gian luyện tập khá công phu.

Dàn nhạc tài tử sử dụng đờn kìm và đờn tranh, thường thì lựa tiếng thổ hòa với tiếng kim, mà nếu có thêm cây đờn cò thì càng hay. Có thể thêm đờn độc huyền, đờn tỳ bà, đờn tam. Ống sáo, ống tiêu thường dùng trong các bài buồn như Tứ đại oán hay Văn thiên tường. Và đặc biệt là song lang (có nghĩa là hai thanh tre già) dùng để gõ vào nhau khi câu nhạc đến nhịp quan trọng.

Đờn tài tử mở đầu với những câu “rao” để thử dây đồng thời thử đờn, giống như kỵ mã trước khi cưỡi ngựa ngồi ướm thử xem yên cương có đặt đúng chỗ và con ngựa có nổi chứng gì không. Câu rao của mỗi người hoàn toàn theo ngẫu hứng nên có thể đờn một cách khác nhau, chỉ cần theo đúng điệu thức đã chọn lựa. Sau đó mới lần lần đưa người nghe đi vào điệu thức, giống như hướng dẫn viên đưa du khách từng bước đi vào ngắm một căn nhà đẹp hay một khu vườn nhiều kỳ hoa dị thảo.

Về bài bản thì đờn ca tài tử có rất nhiều, nhưng đại đa số các “thầy đờn” đều cho rằng có 20 bài tổ gồm 6 Bắc (Tây thi, Cổ bản, Lưu thủy trường, Phú lục chấn, Bình bán chấn, Xuân tình chấn hay Xuân tình điểu ngữ), 3 Nam (Nam xuân, Nam ai, Nam đảo hay Đảo ngũ cung), 4 Oán (Tứ đại oán, Phụng cầu, Giang nam, Phụng hoàng), 7 bài lớn (Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Tiểu khúc, Vạn giá).

Đờn tài tử có khi đờn một mình như độc tấu đờn kìm hay đờn tranh. Khi hòa đờn, nếu chỉ có hai nhạc cụ thì thông thường là đờn tranh hòa với đờn kìm hoặc đờn cò. Nếu ba cây hòa chung (tam tấu) gồm đờn tranh, đờn kìm và đờn cò. Năm cây - gọi là ngũ tuyệt - gồm đờn tranh, kìm, cò, độc huyền và tỳ bà. Thỉnh thoảng lại có ống sáo hay ống tiêu cùng hòa và về sau có thêm ghi-ta phiếm lõm. Hiếm khi hòa đờn mà không có ca, vì vậy người ca đóng vai trò rất quan trọng.

Điểm độc đáo của cách hòa đờn trong ca tài tử là áp dụng nguyên tắc học chân phương, đờn hoa lá ngang qua lăng kính của dịch học, phù hợp với quy luật biến dịch trong vũ trụ.

Con người và sự vật luôn luôn thay đổi không ngừng, mỗi giây phút trôi qua trong cơ thể chúng ta có hằng trăm ngàn tế bào cũ chết đi và cũng chừng đó tế bào mới được sản sinh. Tuy nhiên sự thay đổi đó không làm chúng ta biến dạng bởi bên trong vẫn tồn tại những yếu tố căn bản không thay đổi, nghĩa là có biến dịch mà cũng có bất dịch. Cũng vậy, trong đờn tài tử thì nét nhạc, chữ nhấn, chữ chuyền của mỗi câu trong bài bản có thể thay đổi tùy trường phái hay người đờn nhưng lòng bản thì không thể thay đổi. Nhờ vậy, dầu cho người đờn có thêm chữ chuyền, có đổi nhịp nội ra nhịp ngoại, người nghe vẫn nhận ra bản đờn.

Ngoài biến dịch và bất dịch còn có quy luật giao dịch. Trong cuộc sống khi có sự gặp gỡ của hai yếu tố thì các yếu tố đó phải thay đổi để không trở thành xung đột. Khi hòa đờn cũng vậy, nếu tỳ bà hòa với đờn kìm, do hai tiếng đờn có màu âm gần giống nhau nên thông thường đờn kìm đờn nhịp nội trong khi tỳ bà đờn nhịp ngoại: sự thay đổi này chính là tinh thần giao dịch để có được sự hòa hợp.

Khi hòa đờn, người đờn tranh thường dùng những chữ đặc biệt như chữ “Á” (ngón tay cái của bàn tay mặt kéo rải dài từ dây đờn giọng cao xuống dây đờn giọng thấp), trong khi đó tiếng đờn kìm khảy chững chạc, nghiêm trang, chậm rãi, còn đờn cò thì dùng nhiều chữ vuốt. Ba cách đờn thay đổi để không bị đồng điệu, phối hợp môt cách nhuần nhuyễn, không bị trùng lắp và không làm biến dạng nhau, hoàn toàn đúng với quan điểm giao dịch.

Rõ ràng phong cách đờn ca tài tử rất phù hợp với triết lý dân gian của người Việt Nam chúng ta.

Đờn ca tài tử trong “Không gian văn hóa Nam bộ”

Trải qua nhiều biến chuyển, đến nay đờn ca tài tử vẫn giữ được phần nào bản sắc dân tộc, không bị bên ngoài tác động làm mất đi cái hay của nó. Do rất “nặng tình” với đờn ca tài tử nên - như nhiều người yêu âm nhạc khác tại miền Nam - từ lâu tôi đã ước mong bộ môn này được đứng vào hàng ngũ các di sản phi vật thể của nhân loại.

Tuy nhiên cho đến nay điều này vẫn chưa thể thực hiện được, vì nhiều lý do. Trước tiên, tuy cho rằng đờn ca tài tử đã ra đời từ thế kỷ XIX hoặc trước đó, nhưng trên thực tế chúng ta chưa có nhiều sử liệu hay hiện vật chứng minh một cách chính xác và cụ thể. Ngoài ra, về mặt ngôn ngữ âm nhạc, thang âm, điệu thức, tiết tấu thì bộ môn này tuy có một số nét đặc thù nhưng chưa có được bề sâu nghệ thuật đặc sắc như yêu cầu đặt ra. Hơn nữa, tuy không còn thông dụng như xưa nhưng đờn ca tài tử vẫn chưa đứng trước nguy cơ tàn lụi, khá nhiều địa phương trên cả nước đều có thành lập các câu lạc bộ, cũng như các liên hoan ca nhạc tài tử vẫn liên tục được tổ chức.

Tóm lại, nếu so sánh với hồ sơ các bộ môn nghệ thuật truyền thống trong nước đã và đang được thiết lập để trình UNESCO như Nhạc cung đình, Cồng chiêng Tây nguyên, Ca tru … thì Đờn ca tài tử còn nhiều mặt chưa đạt được những điều kiện tất yếu minh chứng đầy đủ về giá trị lịch sử lẫn nghệ thuật. Vì thế, nếu chúng ta cứ nhứt quyết lập hồ sơ ứng cử thì coi như cầm chắc thất bại.

Tuy vậy, mặc dầu bản thân đờn ca tài tử chưa đủ tầm cỡ, nhưng nếu xếp bộ môn này vào trong một “Không gian văn hóa Nam bộ” bao gồm cả nhạc lễ (xuất xứ từ nhạc lễ cung đình giản dị hóa thành dàn nhạc ngũ âm), hát ru, các điệu hò, điệu lý, rổi bóng và cả những trò chơi dân gian phong phú, tất cả được xem như một di sản đáng quý của cha ông chúng ta để lại từ thời kỳ đầu khai hoang lập nghiệp ở miền Nam, thì hồ sơ này sẽ có thêm bề dày của lịch sử và chiều sâu của nghệ thuật, nhiều khả năng được UNESCO đồng ý xét công nhận giá trị.

Theo dự kiến, chúng ta sẽ lần lượt hình thành hồ sơ ca trù trình cho UNESCO vào năm 2007, đến năm 2009 là quan họ và năm 2011 cho múa rối nước. Chúng tôi mong mỏi các cơ quan chức năng sẽ lưu tâm đến việc nghiên cứu thành lập hồ sơ “Không gian văn hóa Nam bộ” vào năm 2013, như thế đờn ca tài tử và nhạc lễ sẽ có cơ hội được tôn vinh cho thế giới biết đến rộng rãi. Từ đó có thể kích thích giới trẻ trong nước tìm đến với bộ môn đờn ca tài tử truyền thống, nắm được tinh hoa trong nghệ thuật cổ truyền và sáng tạo những nhạc phẩm mới để làm cho di sản âm nhạc tài tử được phong phú hơn xưa.
------------------------------------------------------------
GSTS Trần Văn Khê