Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2008

Lược sữ Cải lương




Lược sử Cải lương
Lược sử cải lương trong văn học nghệ thuật[14/07/2007 - Thanh Tùng Services]
Hễ nói đến Cải Lương là nói đến sự đau buồn của dân tộc ta dưới ách cai trị của thực dân Pháp, tiền nhân ta đã bao lần vùng dậy nhưng bị dẹp tan rồi cam chịu hẩm hiu, bên trong thì âm ỉ lòng yêu nước, ý chí này tiềm ẩn trong các tác phẩm văn chương ca ngợi cảnh vật thiên nhiên, với những lời lẽ thật là bi thiết, đó là tiếng kêu ai oán của một dân tộc mất hết chủ quyền, muốn xé tan bức màn đen mà khả năng chưa làm được.
1. Xin định nghĩa Cải Lương là gì? Cải Lương (To reform), còn hát cải lương (Renovated theatre hay modern theatre). Có nghĩa là Cải Cách từ hát bộ theo âm nhạc miền Nam, nên gọi là Cải Lương.
Truy nguyên lịch sử hình thành sân khấu cải lương, chúng tôi xin chia làm ba quá trình như sau:
- Quá trình sáng tác nhạc điệu. - Quá trình hát chèo và hát bộ. - Quá trình cải lương hát trên sân khấu.
a) Sáng tác nhạc điệu.
Theo lịch sử âm nhạc Việt Nam của Tiến sĩ Trần Văn Khê và "Cổ nhạc tầm nguyên" của nhiều tác giả, được trường Quốc Gia Âm Nhạc cho giảng dạy, nói rằng: vào đầu thế kỷ 20 có ông Ba Khị và Ba Chột.
(Ba Chột là con của Ba Khị), người ở quận Cái Bè tỉnh Mỹ Tho sáng tác ra các điệu nhạc và dạy ca, trong đó căn bản nhất là: 3 bài Nam, 6 bài Bắc, 6 bài Oán:
- 3 bài Nam gồm: Nam Xuân, Nam Ai, Nam Đảo.
- 6 bài Bắc gồm: Tây Thi, Cổ Bản, Lưu Thủy Trường, Phú Lục, Bình Bán Chấn, Xuân Tình.
Trong sáu bài Bắc đều là những bài rất hay, đặc biệt bài ca Lưu Thủy Trường và Phú Lục của ông Cao Hoài Sang nhan đề "Bá Nha, Tử Kỳ" và một lớp ca Xuân Tình không rõ tên tác giả nhan đề "Tống Tửu Đơn Hùng Tín", hai tác phẩm này nói lên tình tri kỷ tri âm và nghĩa kim bằng đã trở nên bất hủ.
- 6 bài Oán gồm: Giang Nam, Tứ Đại Oán, Bình Sa Lạc Nhạn, Thanh Dạ Đề Quyên, Trường Tương Tư, Văn Thiên Tường.
Ngoài ra, rất nhiều bài ngắn gọi là bài bản gồm đủ hỉ nộ ái ố.
Vào thời ấy cha con nhạc sĩ Ba Khị sáng tác và truyền bá khắp các tỉnh miền Tây, thịnh hành nhất ở tỉnh Bạc Liêu, và tại Bạc Liêu có ông Sáu Lâu tức Cao Văn Lâu dựa theo bài Dạ Cổ Hoài Lang của ông Ba Khị vốn có 4 nhịp, sáng tác ra bài Vọng Cổ 32 nhịp, từ đó bài Vọng Cổ nhịp 32 hấp dẫn nhiều người và cả nước mến mộ. Hình thức phổ biến lúc bấy giờ, ông Ba Khị chỉ đào tạo ca sĩ để ca trong các đám tiệc gọi là ca Salon, nhưng có hấp lực mạnh mẽ, cho nên ở đâu có đờn ca thì dân chúng tụ họp để nghe, có khi suốt cả đêm, dần dần có nhiều giọng ca thiên phú xuất hiện làm tăng sự thu hút của môn ca nhạc này, đồng thời các hãng đĩa Asia, Kim Khánh... ra đời.
b) Quá trình hát chèo và hát bộ.
Nói đến sân khấu chúng ta không thể bỏ qua hát chèo và hát bộ. Theo Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim, vào thế kỷ thứ 10 ta có hát chèo, hát chèo tức là dùng 36 điệu dân ca miền Bắc hát ra bộ trong một kịch bản, bộ môn này hiện nay vẫn còn áp dụng trong những ngày lễ cổ truyền. Trong thế kỷ này bà Phạm Thị Trân được vua Đinh Tiên Hoàng trọng dụng cho dạy hát chèo trong quân đội.
Còn hát bộ hay hát bội, bộ môn này giông giống hát hồ quảng bên Tàu. Cũng trong Việt Nam Sử Lược, vào thế kỷ thứ 13 đức Trần Hưng Đạo đánh thắng giặc nhà Nguyên, có bắt được ông Lý Nguyên Cát vốn là con hát trong quân đội Mông Cổ, sau khi được tha ông ở lại Việt Nam và đem nghệ thuật hát bộ dạy người mình hát, từ đó ta có hát bộ và thịnh hành nhất vào đời vua Trần Du Tông, bấy giờ nhà vua khuyến khích ca hát, bắt các vương hầu, công chúa đặt ra tuồng để hát, những vị này được gọi là thầy tuồng và ngày nay gọi là soạn giả. Thời bấy giờ người ta thường lấy truyện tích bên Tàu mà đặt thành tuồng như: Trảm Trịnh Ân, Vạn Huê Lầu, Tiết Nhơn Quý chinh đông, chinh tây, Tiết Đinh San Cầu Phàn Lê Huê, Hán Sở Tranh Hùng, Đắp Đập Bàn Đước, Châu Du Thổ Huyết v.v.. Bộ môn này sống thật lâu, từ thế kỷ 13 đến khi cải lương thịnh hành mới đi vào lịch sử, nhưng vẫn còn áp dụng trong những ngày lễ cổ truyền. Còn hát hồ quảng là hoàn toàn phỏng dịch theo người Tàu.
c) Quá trình Cải Lương hát trên sân khấu. (Gánh hát bầu Bòn)
Trước năm 1945 có nhiều đoàn hát bộ, trong miền Nam có gánh hát ông bầu Bòn là một đại ban, lợi dụng chỗ có sân khấu và phong trào ca Vọng cổ thịnh hành, ông bầu Bòn muốn làm cho mới lạ, cho xen bài Vọng cổ vô tuồng hát bộ được khán giả mến mộ, ông bèn lập ra đoàn Cải lương "Tấn Thành Bang" (đại bang) và về sau nhiều đoàn khác ra đời. Những nghệ sĩ nòng cốt của đoàn Tấn Thành Bang bấy giờ được xem như là hệ Thứ nhất, những nghệ danh từ khởi đầu và nối tiếp xin được xếp theo thứ tự như sau:
- Thế hệ thứ nhất.
Nam gồm có: Bảy Nhiêu, Năm Châu, Tư Út, Từ Anh, Bầu Thới, Ba Vân, Tám Vân, Tư Chơi... ngoài Bắc có Huỳnh Thái... đoàn Tiếng Chuông Vàng Thủ Đô của ông bầu Long.
Nữ gồm có: Phùng Há, Năm Phỉ, Bảy Nam, Kim Cúc, Kim Lang, Sáu Nết, Kim Huê, Ba Ngưu, Kim Anh, cô ba Hélène... ngoài Bắc có: Kim Chung, Bích Thuận, Thúy Liệu...
- Thế hệ thứ hai.
Nam gồm có. Bảy Cao, Út Trà Ôn, Năm Nghĩa, Hoàng Giang, Thanh Tao, Ba Khuê, Việt Hùng, Hai Tỷ, Ba Tẹt...
Nữ gồm có: Ngọc Nuôi, Kim Luông, Kim Nên, Kim Chưởng, Kim Giác, Ái Hữu, THúy Nga, Bích Sơn.
- Thế hệ thứ ba.
Những nghệ sĩ đang hành nghề từ trong nước ra đến hải ngoại:
Nam gồm có: Hữu Phước, (đã mất), Thành Được, Hùng Cường (đã mất), Văn Chung, Hùng Minh, Dũng Thanh Lâm, Thanh Hải, Tấn Tài, Phương Quang, Út Hậu, Út Hiền, Phương Thanh, Hoài Thanh, Minh Cảnh, Minh Vương, Minh Phụng, Thanh Sang, Thanh Tuấn, Phước Hậu, Nam Hùng, Chí Tâm, Linh Tuấn, Vũ Phương Khanh, Điền Thanh, Thanh Bạch, Thanh Tòng, Hương Huyền, Bảo Châu...
Nữ gồm có: Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Thanh Nga, Lệ Thủy, Phượng Liên, Hương Lan, Hồng Nga, Trương Ánh Loan, Thu Vân, Thanh Kim Huệ, Tô Kim Hồng, Ánh Hoa) Thanh Thanh Hoa, Hồng Vân tức Trâm Anh, Kim Tuyến, Phượng Mai, Tài Lương, Tài Linh, Bình Trang, Kiều Mai Lý, Thoại Miêu, Thu Hồng, Kiều Mỹ Loan, Phương Nga...
- Thế hệ thứ tư.
Người viết đã ở hải ngoại, chỉ biết vài nghệ sĩ quen thuộc hoặc gia đình như: Chí Thanh tức ca sĩ Chế Thanh tân nhạc hiện nay, huy chương vàng Cải Lương năm 1990, Ngân Tuấn, Chiêu Hùng, Trọng Nghĩa, Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Thoại Mỹ, Thanh Ngân...
Bộ môn Cải Lương thịnh hành nhất vào ba thập niên 50, 60, 70. Trong thập niên 50 có các đoàn hát: Hoa Sen, Thanh Minh, Thanh Cần, Mộng Vân, Nhạn Trắng, Tiếng Chuông, Kim Chưởng, Thúy Nga... ngoài Bắc có đoàn "Tiếng Chuông Vàng Thủ Đô", đến năm 1954 di cư vào Nam đổi tên là Kim Chung, đến thập niên 60 đoàn Kim Chung phát triển thêm 5 đoàn từ Kim Chung 1 đến Kim Chung 5. Và đoàn Thanh Minh đổi tên là Thanh Minh Thanh Nga, có lúc thêm đoàn Thanh Minh Thanh Nga 2. Kể từ thập niên 60 phát triển thêm nhiều đoàn, tổ chức sân khấu có kỷ luật quy cũ, nghệ thuật kỹ thuật và tuồng tích của nhiều soạn giả đạt đến trình độ rất cao. Trong hàng ngũ soạn giả nhiều người ưu tú có tuồng tích rất hay lưu truyền trong lòng quần chúng. Đến năm 1975 Cải Lương vẫn còn thịnh hành, ở thành phố Sài Gòn có các đoàn: Sài Gòn 1, Sài Gòn 2, Sài Gòn 3, Trần Hữu Trang, Thanh Nga, Phước Chung, Minh Tơ (Cải Lương Hồ Quảng), Sống Chung, Tuổi Trẻ, Trung Hiếu, 30 tháng 4...
- Ở mỗi tỉnh có từ 1 đến 3 đoàn. Ở Quận Huyện mỗi nơi có một đoàn, tỉnh nào quận nào mang tên nơi đó Thí dụ: Tỉnh Sông Bé mang tên Sông Bé I, Sông Bé II, Sông Bé III. Tỉnh Long An mang tên Long An, Vàm Cỏ v.v... Các đoàn từ cấp tỉnh đến huyện đều do cán bộ văn hóa quản lý chặt chẽ... Đến năm 1988 Cải Lương bắt đầu xuống dốc, đến khoảng cuối năm 1990 khán giả không còn đến hí trường đông đảo như trước, ngành kinh doanh nghệ thuật lỗ nặng rồi tan rã dần dần, đến nay thì cấp tỉnh và Saigon gần như không còn đoàn hát nào, chỉ còn cấp quận huyện có vài nơi còn đoàn hát, nhưng sống lây lất thật là bi đát.
2. So sánh giữa hát bộ và cải lương.
Là người trong nghề chúng tôi thấy rằng, hát bộ diễn tả hỉ nộ ái ố khó khăn hơn cải lương. Bởi, hát bộ bị đóng khung trong các thể điệu: nói lối bạch, nói lối đo, hát khách, hát tẩu, hát nam ai, hát nam chạy, thán... Chỉ bằng ấy thể điệu cộng với điệu bộ diễn xuất, cho nên người diễn phải tận dụng hết khả năng để diễn cho ra vẻ: hùng mạnh, giận dữ, thương cảm, lảng lơ, tán tỉnh, thất bại, tử vong, chia ly, đoàn tụ, khôi hài v.v... nhứt nhứt phải nằm trong khuôn khổ mấy thể điệu đã kể. Còn Cải Lương thì vô cùng phong phú, mỗi điệu ca, mỗi điệu lý đều có sẵn đặc tính vui buồn, phẫn nộ, hận thù, lãng mạn, lả lơi, trữ tình, hài hước v.v... Ngoài ra, còn có thể xen 36 điệu dân ca miền Bắc, các điệu hò miền Trung và có thể xen tân nhạc mà tuồng vẫn không bị lạc điệu của cải lương. Cho nên có thể nói cải lương là bộ môn nghệ thuật có chất lượng cao, muốn diễn tả cái gì cũng được, muốn phổ cập triết lý, tư tưởng nào cũng dễ dàng, soạn tuồng lịch sử hay xã hội loại nào ra loại đó. Về lĩnh vực giáo dục quần chúng, những điệu ca ngâm làm hấp dẫn người nghe như xoáy sâu vào cân não, dễ nhớ, dễ lĩnh hội nội dung cốt chuyện rất hữu dụng cho việc vận dụng tâm lý, chứ không bị gò bó như hát bộ.
3. Tương lai của cải lương và kết luận.
Như trên đã trình bày, cải lương là bộ môn nghệ thuật thuần túy của dân tộc ta, tiền nhân đã sáng tạo rất công phu, người ở ba miền Bắc, Nam, Trung đều thưởng thức được. Nhưng hiện nay gặp phải khoa học kỹ thuật tối tân, khán giả không cần phải đến hí trường, cứ nằm ở nhà có VCR cũng vẫn xem cải lương được. Sự kiện này làm cho các nhà tổ chức bị lỗ lã không còn dám đứng ra gánh vác, nghệ sĩ mất đất dụng võ phải sinh sống bằng những nghề bất đắc dĩ khác. E rằng, rồi đây cải lương cũng sẽ đi vào lịch sử như hát bộ, nhượng chỗ cho điện ảnh và video. Viễn ảnh không sáng sủa cho nghệ thuật cải lương đã thấy rõ, nhưng chúng tôi chưa có phương cách để phục hồi. Thiết nghĩ, nếu muốn phục hồi cần phải có những bậc cao kiến có khả năng tổ chức, chú trọng tu dưỡng sân khấu, họp với soạn giả, nhạc sĩ đào tạo mầm non trẻ trung hóa sân khấu. Nghệ sĩ phải biết giữ nghề nghiệp, không vì lợi trước mắt đóng phim video vô tình làm cho sân khấu mất khán giả. Các nhà biên soạn phải thay đổi lối viết, lối dàn dựng, nghiên cứu so sánh với phim ảnh để đáp ứng đúng thị hiếu của lớp tuổi trung niên và lớp trẻ.
Đặc biệt ở hải ngoại, vì cuộc sống quá bon chen, mọi người đều chú tâm giữ Job, xem việc bồi dưỡng tinh thần là phụ thuộc không mấy cần thiết, cho nên phải có cái gì thật đặc biệt mới cuốn hút được họ bỏ thì giờ đi đến hí trường.
Trên đây là một vài thiển nghĩ của người viết, muốn đề nghị phương cách giữ lại cái tinh hoa của văn hóa dân tộc. Chứ để cho bộ môn nghệ thuật này bị mai một thì thật là tiếc uổng lắm thay.
Vinh Danh Tổ Nghiệp Cải Lương.
Căn cứ theo các sử liệu của dân tộc Việt Nam. Chúng ta nên cô đọng các sinh hoạt nghệ thuật: hát chèo, hát bội, cải lương qua các thời đại để vinh danh những nghệ sĩ tiền bối đã đóng góp công phu của mình để lại cho con cháu nhà Nam ta. Người viết chỉ danh các vị tiền bối theo "Việt Nam Sử Lược" của cụ Trần Trọng Kim như sau đây:
Xin tạm chia làm ba thời đại.
1) Thời đại thứ nhất: (Thế kỷ thứ 10 đến 13)
- Bà Phạm Thị Trân, thế kỷ thứ 10, dạy hát chèo trong quân đội nhà Đinh (vua Đinh Tiên Hoàng).
Ông Lý Nguyên Cát, dạy hát bội trong quân đội Mông Cổ. Vào thế kỷ 13 xâm lăng Việt Nam bị bắt làm tù binh, khi được tha ông xin ở lại Việt Nam và đem nghề hát dạy cho người Việt chúng ta.
2) Thời đại thứ hai:
(Thế kỷ 14 đến 1 vua Trần Dụ Tông (1341-1400). Nhà vua khuyến khích ca hát, bắt dầu có "thầy tuồng" tức là soạn giả.
Ông Đào Duy Từ, thế kỷ 16, phổ biến nghệ thuật hát bội trong miền Nam.
3) Thời đại thứ ba (đầu thế kỷ 20)
Ông Ba Khị và Ba Chột (Ba Chột là con ông Ba Khị) Sáng tác ra 3 bài Nam, 6 bài Bắc, 6 bài Oán, và các thể điệu khác v.v... (Lịch sử âm nhạc Việt Nam và Cổ nhạc tầm nguyên).
Ông Sáu Lầu tức Cao Văn Lầu. Lấy bài Dạ Cổ Hoài Lang của ông Ba Khị, phóng tác ra bài Vọng Cổ nhịp 32. Vì bài Dạ Cổ Hoài Lang chỉ có 4 nhịp.
Như đã trình bày ở trên thì có bảy vị đã dày công xây dựng nền nghệ thuật từ hát chèo, hát bội và đến cải lương. "Như vậy chúng ta phải vinh danh quý Ngài là tổ nghiệp qua ba thời đại mới đúng". Chớ cứ theo truyền thuyết xưa nay nói rằng: Tổ nghiệp cải lương vốn là "người ăn mày" hay là "Ba vị hoàng tử" thì e rằng quá sai lầm. Vì không có sử liệu nào để chứng minh cho việc suy tôn này.
Garden Grove 22-5-1998

Không có nhận xét nào: