Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2008


Thương Hoài Câu Vọng Cổ

Thốt Nốt

“Từ là từ phu tuớng,
Bửu kiếm sắc phong lên đàng.
Vào ra luống trông tin chàng,
Ðêm năm canh mơ màng.
Em luống trông tin chàng,
Ôi, gan vàng quặn đau.
Ðuờng dầu xa ong buớm,
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang.
Còn đêm luống trông tin bạn,
Ngày mỏi mòn như đá vọng phu.
Vọng phu vọng, luống trông tin chàng,
Lòng xin chớ phụ phàng.
Chàng hỡi chàng có hay,
Ðêm thiếp nằm luống những sầu tây.
Biết bao thuở đó đây xum vầy,
Duyên sắt cầm đừng lạt phai.
Thiếp cung nguyện cho chàng,
Nguyện cho chàng hai chữ bình an.
Mau trở lại gia đàng,
Cho én nhạn hiệp đôi.”

Ðó là biên bản lời nguyên thủy cùa bài Dạ Cổ Hoài Lang (Ðêm nghe tiếng trống nhớ chồng) của ông Cao Văn Lầu (1892-1976) tức Sáu Lầu, bài hát tiền thân của bản Vọng Cổ ngày nay.

Tuy cải lương tuy đã có trước khi bài Vọng Cổ ra đời nhưng nhờ bài hát nầy mà nó đã

biến thể, thu hút giới thưởng ngoạn nhanh chóng và đông đảo hơn. Một tuồng cải lương, về kỷ thuật, là một tổng hợp của nhiều bài bản cổ nhạc dựa theo nội dung cốt truyện. Tuy nhiên, dù vở tuồng thuộc bất cứ thể loại nào: bi thảm, hài hước, xã hội, dã sử hay hương xa, nó đều phải có ít nhất một bài Vọng Cổ ở mỗi màn. Bắt buộc không thể thiếu. Nếu do đào kép nổi tiếng thủ diễn thì họ phải hát Vọng Cổ vài lần (thường là lúc chia tay và khi tái ngộ). Thật cũng không ngoa nếu nói cải lương nhờ Vọng Cổ mà đi sâu vào dân chúng, từ giai cấp trí thức đến tầng lớp bình dân, và Vọng Cổ cũng nhờ cải lương mà có một địa vị bất tử trong lòng người dân từ Bắc vô Nam.

Cổ nhạc Nam phần có rất nhiều bài bản: Xàng Xê, Nam Ai, Văn Thiên Tường, Nam Xuân, Sương Chiều, Tú Anh, v.v. nhưng nổi tiếng nhất vẫn là bài Vọng Cổ. Về sau chữ Vọng Cổ gần như đồng hóa và thay thế cho chữ Cổ nhạc Nam phần. “Nghe Vọng Cổ,” “ca Vọng Cổ,” “Làm vài câu Vọng Cổ nghe chơi!” trở thành ngôn ngữ thông dụng cho cách thưởng thức một bộ môn nghệ thuật đại chúng của dân miền Nam. Tuy nói là “nghe chơi” nhưng phải nhìn khán giả miền Nam khi họ nghe ca Vọng Cổ, dù ở các đám tiệc, buổi đờn tài tử hay trong rạp hát, mới thấy sự trân trọng của họ đối với bài hát và người trình diễn. Không ai bảo ai, tất cả đều im lặng khi câu rao bắt đầu. Họ chờ đợi nhưng cổ võ người nghệ sĩ trong im lặng, háo hức. Người hát cũng đáp lễ bằng để hết tâm hồn vào câu ca vì một câu ca vô hồn sẽ hiện rõ không thể dấu diếm, và đó là điều khinh thường người thưởng ngoạn. Câu xề vừa xuống là tiếng vỗ tay vang rền, từ em bé được cha mẹ dẫn đi xem hát lần đầu đến cụ bà hom hem ngồi bên đứa cháu, từ ông bà sang trọng ngồi ở hàng ghế thượng hạng gần sân khấu cho đến người đàn bà nhà quê ngồi cuối rạp ở hạng cá kèo. Tất cả đều vỗ tay. Tất cả đều bình đẳng. Không kẻ lớn người nhỏ, không kẻ giàu người nghèo. Chỉ có người thưởng thức một bài hát hay. Sau hơn 80 năm bài Vọng Cổ vẫn là vị hoàng đế không ngai của âm nhạc miền Nam. Trong một buổi trình diễn cổ nhạc Nam phần, dù là nguyên trọn hay trích đoạn vỡ hát cải lương hoặc đờn ca tài tử, bài Vọng Cổ luôn luôn có mặt và luôn luôn là bài hát chánh. Bài Vọng Cổ là một bài hát đặt biệt của miền Nam, không thể lầm lẫn. Nó là biểu tượng đặc biệt của dân miền Nam. Không to lớn dữ dội như sông Hồng, không thơ mộng, văn vẽ như sông Hương nhưng như giòng Cửu Long với nhánh sông Tiền, sông Hậu chảy thấm vào đất đai, bồi bổ đồng ruộng, chảy thấm vào lòng người lúc nào không biết. Bản Vọng Cổ thấm vào tâm hồn mộc mạc, chất phác của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và của cả miền Nam nói chung. Nhập vào từ lúc còn ngậm bầu vú mẹ, nhập vào từ lúc chập chửng bước đi cho mãi đến khi đặt chân vào cuộc đời đầy tranh đua, phiền toái.

Có phải ông Sáu Lầu là người đã đặt ra bài Dạ cổ hoài lang? Theo truyền thuyết, ông Sáu Lầu cưới vợ đã lâu, gia đình đầm ấm nhưng không có được một mụn con. Cha mẹ ông buộc ông phải cưới vợ khác để ông bà có cháu nối dõi tông đường. Ông Sáu buồn rầu, không biết xử sao cho vẹn cả đôi bên hiếu và tình. Sống xa người vợ thương yêu nhưng nào đâu quên bỏ được. Tuy xa mặt nhưng lòng không cách, tình yêu càng làm nỗi nhớ thương tăng thêm dào dạt. Lòng tâm sự của người chồng gởi cả vào bản nhạc mới được đặt ra, đó chính là bài Dạ cổ hoài lang bất hủ. Tuy bị cấm cản, ông vẫn lén lút lui tới với vợ. Sau đó bà có mang, vợ chồng lại xum họp.

Sở dĩ tôi chỉ gọi là bản nhạc mà không gọi là bài ca hay bài hát vì hiện nay có một số nghi vấn về lời của bài Dạ cổ hoài lang. Có những người cho rằng lời bài hát do ông Trần Xuân Thơ đặt ra, hay do một nhóm tài tử Sài Gòn đặt ra. Có người lại xác định là ông Sáu Lầu đã sáng tác cả nhạc lẫn lời. Dù sao đi nữa mọi người đều đồng ý là ông Sáu Lầu là cha đẻ của bài nhạc vô địch đó. Bài Dạ cổ hoài lang sau chuyển thành Vọng Cổ hoài lang (Trông tình xưa nhớ đến chồng) và cuối cùng là Vọng Cổ như ta biết ngày nay.

Theo cá nhân tôi, nếu truyền thuyết về hoàn cảnh sáng tác của ông Sáu Lầu là đúng thì có lẽ ông chỉ đặt ra bài nhạc, còn lời ca là của một nguồn gốc khác chưa được xác định chắc chắn. Tại sao? Đọc lời ca của bài Dạ cổ hoài lang ta thấy rõ ràng đó là lời than thở nhớ thương của một người vợ có chồng đi chinh chiến nơi phương xa. Nàng mong chồng bình an trong chiến trận, nhớ lời ước hẹn, tình nghĩa phu thê mà sớm quay về gia trung. Đây không phải là lời thương yêu ai oán của một người chồng, vì hoàn cảnh, đang phải sống xa lìa người vợ thủy chung. Dù có ngụy trang thế nào đi nữa, ông Sáu Lầu cũng không thể đặt ra lời cho một người đàn bà nhớ chồng để gởi gắm tâm sự nhớ vợ của ông. Rất phản tự nhiên. Văn chương của lời ca cũng tương hợp với các loại truyện thơ như Thoại Khanh Châu Tuấn, Lâm Sanh Xuân Nương của đất Nam Bộ thời ấy hoặc các truyện Tàu như Tam quốc chí, Nhạc Phi, Thuyết Đường do ông Nguyễn Chánh Sắc và những nhà văn xưa của miền Nam dịch thuật. Ngoài ra, tất cả các bản nhạc xưa đều được sáng tác nguyên thủy cho nhạc khí, không lời hát và có lẽ nhờ đó mà chúng đuợc phổ biến rộng rải và lưu truyền cho đến ngày nay. Chúng không bị bó buộc tình cảm để chỉ được trình diễn hay thưởng thức trong một hoàn cảnh nhất định như các bài hát có lời.

Bài Vọng Cổ có một nét đặc biệt mà gần như không một bài hát nào khác được thừa hưởng. Đó là tính đa dạng, biến thái của bài hát theo lời ca . Cũng cùng điệu nhạc, điệu đàn nhưng bài Vọng Cổ thay đổi hẳn bản chất tùy theo lời đặt ra. Buồn thương sầu thảm như Lan và Điệp, Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài. Não nề ai oán như Sầu vương ý nhạc, Hạng Võ biệt Ngu Cơ. Khuyên dạy êm đềm như Tu là cội phúc, Nỗi mừng ngày cưới. Kể truyện tích xưa như Đội gạo đường xa, Lưu Bình Dương Lễ. Vui đùa, dí dỏm như Tư Ếch đi Sài Gòn, Tựa tuồng sân khấu. Không thể dùng Lý con sáo để nói những lời hý lộng mà chỉ có thể than thở như cô Lan trong Tình Lan và Điệp của soạn giả Viễn Châu (đừng lầm với bài Lan và Điệp cũng của ông Viễn Châu):

“Hoa bay theo gió cuốn rụng đầy sân rêu,
Nhìn hoa tàn rụng rơi, Lan bâng khuâng tê tái tâm hồn
Bởi bao cay đắng dập dồn,
Tình đầu vừa tan theo khói sương,
Lan khóc than trong tháng năm sầu thương.
Mùi thiền đành quen câu muối dưa,
Mong lãng quên khổ đau ngày xưa.”

Bản Vọng Cổ ca đủ 6 câu phải mất khoảng 6 phút, gần gấp đôi một bản tân nhạc, có thể kể đầy đủ một câu truyện, một sự tích. Vì vậy Vọng Cổ là một phương tiện rất tốt để truyền bá kiến thức văn hóa cho đại chúng nhất là với tầng lớp dân quê ít học. Đất rộng, người thưa. Vất vả, cô đơn là những nỗi khó khăn mà lớp người tiền phong xuôi Nam khai phá đất đai, mở mang xứ sở phải chịu đựng:

“Má ơi, đừng gả con xa
Chim kêu, vượn hú biết nhà má đâu”

Nhờ Vọng Cổ mà người bình dân miền Nam biết được các tích truyện đầy luân lý như Lâm Sanh Xuân Nương, Phạm Công Cúc Hoa, Thạch Sanh Lý Thông, Tử Lộ v.v. hay những điển tích truyện Tàu như Triệu Tử Long triệt giang, Đơn Hùng Tín, Đắc Kỷ Trụ Vương, Lữ Bố hí Điêu Thuyền, Chung Vô Diệm. Không có lối giáo dục nào hay hơn. Trước là truyện thơ, sau là Vọng Cổ đã tạo cho người miền Nam một nếp sống và nhân sinh quan khác hơn dân các miền khác. Tinh thần phóng khoáng của những bậc tiền bối đi trước đã được các tích Cậu Hai Miêng, Đào Viên kết nghĩa, Đơn Hùng Tín, v.v. vung bồi, như phù sa làm phì nhiêu thêm đất vườn vùng đồng bằng sông Cửu, và truyền dạy đến lớp hậu sinh ngày nay. Nó tạo ra những phong cách “tứ hải giai huynh đệ”, “anh hùng tử, khí hùng bất tử” mà đến nay người miền Nam vẫn còn tự hào.

Rảo bước vào các làng quê miền Nam, người khách lạ luôn luôn nghe tiếng ca Vọng Cổ văng vẳng vọng ra từ một ngôi nhà nào đó trong xóm. Có thể là giọng ca của Minh Cảnh, Lệ Thủy, hay Hữu Phước, Ngọc Giàu. Có thể là bài Vọng Cổ xưa như Người mẹ mùa ly loạn, Gánh nước đêm trăng, có thể là một tân cổ giao duyên như Chàng là ai, có thể là giọng ca hài hước của Văn Hường trong Vợ tôi tôi sợ. Nhưng âm vang của bài Vọng Cổ luôn luôn ôm ấp, quấn quít tâm hồn người dân hiền lành, mộc mạc từ mấy mươi năm trước cho đến bây giờ. Và sẽ còn mãi về sau, thương hoài câu Vọng Cổ.

Thốt Nốt

Copy from : http://honque.net/

Thứ Tư, 3 tháng 12, 2008


HÌNH ẢNH MẸ TRONG THI CA VIỆT NAM

Tuyết Mai

Mẹ là dòng suối tắm mát. Mẹ là dòng sông êm đềm. Mẹ là vòng tay ấm áp che chở cuộc đời con… Có không biết bao nhiêu thơ, nhạc, ca dao ca ngợi tình mẹ thương con bao la như trời cao biển rộng. Trên đời này có lắm kỳ quan, nhưng không có kỳ quan nào uy nghi và rực rỡ bằng “Trái Tim Của Mẹ”. Tình Mẹ thương con là một thứ Tình Thiên Thu Bất Diệt. Trong ngôn ngữ của loài người khắp thế giới, tiếng gọi “mẹ” là tiếng nói đầu tiên của trẻ thơ. Không phải có một sự ngẫu nhiên trùng hợp mà theo quy luật ngữ âm tiếng M là tiếng đầu đời của trẻ thơ, bật ra từ vành môi bập bẹ mới tập nói, để đáp trả lại tình mênh mông bao la như trời biển mẹ dành cho con. Người Việt Nam, ở miền Bắc gọi mẹ là “mẹ” , người Trung gọi là “mạ”, người Nam gọi là “má”. Người Pháp gọi là “Maman”, người Đức (Mutter), Người Bồ Đào Nha (Maê), Ba Lan (Matka) Tiệp Khắc (Mamicka), Người Nga gọi là (Mamb). Người anh là “mother” .. Trong ký ức của con, hình ảnh mẹ đơn sơ như hương lúa, mỏng mảnh như hoa cà, Nhà Thơ Lưu Trọng Lư đã để lại một bài thơ bất hủ về mẹ: “Mỗi lần nắng mới hắt bên song. Xao xác gà trưa gáy não nùng; Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng, Chập chờn sống lại những ngày không Tôi nhớ mẹ tôi thuở thiếu thời Lúc người còn sống tôi lên mười Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội Áo đỏ Người đưa trước giậu phơi Hình dáng mẹ tôi chửa xóa nhòa Hãy còn mường tượng lúc vào ra Nét cười đen nhánh sau tay áo Trong ánh trưa Hè, trước giậu thưa” (Nắng Mới) Huy Cận thương mẹ một đời vất vả hy sinh cho chồng con, nhưng không một phút nào buồn lòng, chán nản cuộc đời nhiều cay đắng: “ Quanh năm có nghỉ ngày nào! Sớm khuya làm lụng người hao mặt gầy Rét Đông đi cấy đi cày Nóng Hè bãi cát, đường lầy đội khoai Bấu chân khỏi ngã dốc nhoài Những chiều gánh nước gặp trời đổ mưa”. (Mẹ ơi! Đời Mẹ) Nhà Thơ Hồ Dzếnh, Cha là người Trung hoa, Mẹ là người Việt, Ông đã viết lời thơ ca ngợi người phụ nữ Việt Nam! “Cô gái Việt Nam ơi! Từ thuở sơ sinh lận đận rồi Tôi biết tình cô u uất lắm Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi. Cô gái Việt Nam ơi! Nếu chữ Hy Sinh có ở đời Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực Cho lòng cô gái Việt Nam tươi” (Cảm Xúc). Trong những nhà thơ nổi tiếng thời tiền chiến không mầy người viết về tình mẹ, phần nhiều viết về tình yêu như Tản Đà, Nguyễn Khuyến, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính, Hàn Mạc Tử… Nhưng phần nhiều những tập thơ xuất bản ở hải ngoại sau năm 1975, thì đề tài quê hương và mẹ rất phổ thông. Có lẽ là vì những kẻ tha hương, ai ra đi cũng mang theo trong lòng một mảnh vườn hoài niệm. Trong mảnh vườn hoài niệm đó có dòng sông kỷ niệm, có những đêm trăng sáng, những con đường ngập nắng, đưa tuổi thơ ngọt ngào về mọi nẽo say mơ…lòng của ai mà chẳng có một quê hương với hình ảnh một bà mẹ già lưng còng tóc bạc? Nhà thơ Nguyễn Vô Cùng đã nhớ về mẹ : ”Mênh mông biển lớn sóng dâng trào Lòng mẹ ngàn năm vẫn dạt dào Chua xót thân già đời lận đận Ngậm ngùi phận trẻ kiếp lao đao Non buồn chạnh nhớ dường tê tái Cửa vắng vời trông luống nghẹn ngào Nhớ mẹ tháng năm mòn mỏi đợi Nỗi lòng canh cánh núi ngàn cao” Quê hương Việt Nam với chiến tranh lâu dài, có những người chồng phải đi chinh chiến miền xa, có người hy sinh ngoài chiến trận, bà mẹ Việt Nam vừa làm cha, vừa làm mẹ dạy dỗ, tần tảo nuôi con. Rồi khi chiến tranh chấm dứt bà mẹ Việt Nam chưa hết nỗi mừng vui hòa bình thì chồng con chịu cảnh lao tù học tập . Người đàn bà Việt Nam lại phải lặn lội rừng sâu núi thẳm để thăm nuôi chồng, con. Có lẽ người đàn bà Việt Nam là người chịu nhiều khổ đau nhất thế giới. Viết về nổi khổ của bà mẹ Việt Nam trong chiến tranh , Nhà thơ Phan Khâm có mấy vần thơ: “Lặn lội thân cò khóc nỉ non Mùa Hè đỏ lửa tháng sinh con Mẹ ở đầu ghềnh cha cuối thác Chiều ơi, quê ngoại nắng chon von. Ai về ngoài ngoại con theo với Quê Mẹ Đông Hà thuở chiến chinh Mẹ lấy chồng gian nan chới với Giống như đời mẹ cũng đao binh”. (Chiều Ơi Quê Ngoại) Hình ảnh của Mẹ sau cuộc chiến: “Ngày Đông mưa nhỏ hàng hiên Mẹ mang thùng hứng cho quên nỗi sầu Mẹ làm mọi việc – Cha đâu? – Cha con tù ngục rừng sâu mịt mù!”. (Ngày Đông ) Hoàng Minh Hùng Những khổ cực nghiệt ngã đã làm oằn lưng mẹ, làm khô héo đôi tay gầy guộc, tô đậm trên trán, trên đôi gò má của mẹ nhiều vết nhăn nheo. Những tàn phai của thời gian được ghi dấu trên mái tóc bạc phơ. Nhà Thơ Vương Đức Lệ xót xa thương mẹ: “Thương cái cò lặn lội bờ sông Mẹ về chợ cái tôm, cái tép Ấm mái tranh xưa chiều hôm khói bếp Bữa cơm nào, cơm gạo mới đưa hương… Ánh lửa hồng reo vui nồi cám lợn Vười sau xanh, lấm tấm dấu chân gà Trên cành trĩu, trái na vừa mở mắt Lời ca dao mẹ hát buổi trưa xa… (Nhớ Mẹ Ta Xưa) Những ngày các con còn nhỏ dại, mẹ một đời tần tảo, chịu khổ nhọc, hy sinh nuôi con nên người . Đến khi các con khôn lớn thì mỗi đứa một nơi, như núm ruột của mẹ bị cắt ra, bỏ đi mỗi nơi một khúc, còn nỗi đau nào hơn. Mẹ già chiều chiều ngồi tựa cửa mong con ở phương trời: “Chắt chiu cùng năm tháng Mẹ tần tảo ngược xuôi Nuôi con ngày khôn lớn Mỗi đứa một phương trời Nay tuổi già vóc hạc Thui thủi bóng vào ra Muộn phiền vai mẹ gánh Liêu xiêu buổi chiều tà” (Thuơng mẹ khổ một đời) Vương Đức Lệ Dù bao nhiêu tuổi già đi nữa, mất mẹ con cũng bơ vơ như đứa trẻ mồ côi, cả đời mình không lớn khôn thêm. Nhà thơ Phan thị Ngôn Ngữ rất lo “Xa mẹ rồi con biết sẽ về đâu?” “Dáng mẹ gầy-thấp thoáng buổi hoàng hôn Tóc mẹ trắng-chia đường trăm lối rẽ Con đứng một mình-trước sau quạnh quẽ Một giòng sông mất hút cuối chân trời Con mất mẹ rồi con sẽ mồ côi Trong góc tối-con âm thầm khóc mẹ Trong góc tối-một mình con lặng lẽ Chỉ mình con-tiếng gỗ nẻ đêm sầu Xa mẹ rồi con biết sẽ về đâu!” Hình ảnh mẹ luôn đơn sơ thân thiết như vườn xanh bóng mát, như hoa cao rụng trắng thềm nhà, như sáo diều vương thanh trúc…Mẹ là dáng dấp quê hương, nghìn trùng yêu dấu, là tiếng võng lời ru..Nghiêu Minh làm thơ ca tụng Mẹ: “Mẹ là con đường đưa con đến Chân Trời Mẹ là chiếc cầu đưa con qua bờ sông rộng Ôi bờ sông rộng Nhân Gian”. Hình ảnh Mẹ luôn sống trong lòng những đứa con lưu vong, hy vọng một ngày được trở về với Mẹ: “Mùa Xuân nào con sẽ về thăm Má Không bằng chim sâu con vẽ trong mơ Mà bằng dạt dào gieo nhân gặt quả Má giữ gìn con trong suốt nguồn thơ” (Xuân Nào Con Sẽ Vế Thăm Má) Nghiêu Minh Chẳng có gì đổi được tình mẹ, đổi được nụ cười mộc mạc, đơn sơ trên môi Mẹ hiền, nhà thơ Trần Trung Đạo đã hoài niệm về nụ cười của mẹ: “ Nhắc chiến phone lên bỗng lặng người Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi Ví mà tôi đổi thời gian được Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười…” Ngày đi con hẹn sẽ trở về, nhưng con vẫn biền biệt phương trời cho mẹ mỏi mắt chờ mong. Hoàng Trùng Dương nhớ buổi chia tay: “ Thu sang lá vẫn cứ rơi Xuân về Mẹ vẫn cuối đời trông con Tháng năm mẹ vẫn mỏi mòn Hao gầy thân xác chon von đỉnh đầu Nhớ con lệ nhỏ canh thâu Ngày đêm Mẹ vẫn nguyện cầu bình an” Rồi ngày con về thì mẹ đã ra đi… “Con về trong nỗi cô liêu Nghĩa trang vắng lạnh một chiều cuối Đông Còn đâu ngày tháng đợi trông Đứa con viễn xứ phiêu bồng ngàn khơi” (Khóc Mẹ) Hoàng Trùng Dương. Nói sao cho hết tình mẹ thương con. Mẹ là bóng mát của lủy tre làng, là khói lam chiều hoàng hôn nơi thôn giả, là những kỷ niệm thật êm đềm thuở ấu thơ . Tất cả sẽ trở nên nghẹn ngào chua xót trong tâm tư của những người con đã mất mẹ. Vậy những ai may mắn còn mẹ hãy ý thức mình là người có phước, hãy hân hoan, trân quý niềm vui còn có mẹ, vì: “Con có mẹ con còn tất cả Mẹ đi rồi, tất cả cùng đi Trong huyệt lạnh mẹ có nghe con khóc Khóc bây giờ và mãi mãi ngàn sau”

Tuyết Mai

Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2008

NSƯT Minh Phụng từ trần


Thứ Bảy, 29/11/2008, 16:53 (GMT+7)
NSƯT Minh Phụng từ trần
NSƯT Minh Phụng - Ảnh: Linh Đoan
TTO - Khoảng 7g sáng ngày 29-11, sau hai ngày hôn mê NSƯT Minh Phụng đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, hưởng dương 65 tuổi.
Nhiều năm nay tình trạng sức khỏe của nghệ sĩ Minh Phụng ngày càng sa sút, ông từng phải mổ tim, bị suy thận và những ngày cuối đời căn bệnh tiểu đường có nhiều biến chứng khiến ngón chân của ông bị hoại tử.
NSƯT Minh Phụng tên thật là Nguyễn Văn Thiệu (sau đó đổi tên là Nguyễn Văn Hoài), là người con đất Châu Thành, Mỹ Tho. Ông vào nghề từ khoảng năm 1962 tại gánh hát Tân Đô. Trong thập niên 60, 70 ông nhanh chóng trở thành anh kép cải lương được yêu thích với chất giọng mượt mà, trữ tình rất đặc sắc.
Nhiều hãng dĩa thi nhau mời ông thâu băng cùng các cô đào nổi danh thời bấy giờ như: Út Bạch Lan, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Phượng Liên… Ông từng hoạt động ở nhiều gánh hát lớn như: Thủ Đô, Kim Chung, Hương mùa thu… và được khán thính giả ái mộ đặt cho biệt danh “Hoàng tử cải lương kiếm hiệp” với những tuồng tích ghi đậm dấu ấn: Áo vũ cơ hàn, Kiếp nào có yêu nhau, Xin một lần yêu nhau, Tâm sự loài chim biển, Sầu quan ải…
Lần biểu diễn cuối cùng của NSƯT Minh Phụng trên sân khấu trong đêm Ngọc Đáng - 40 năm son sắt với nghề tối 1-11 tại rạp Hưng Đạo. Ông biểu diễn cùng vợ mình - nghệ sĩ Kiều Tiên -Ảnh: Linh Đoan
Trong thời gian lâm bệnh, dù các bác sĩ yêu cầu ngưng biểu diễn nhưng vì yêu sân khấu nên lúc nào thấy hơi khỏe nghệ sĩ Minh Phụng lại đi hát để đỡ nhớ nghề. Nghệ sĩ Kiều Tiên - vợ ông cho biết suất diễn cuối cùng ông tham gia là trong chương trình của NSƯT Ngọc Đáng - 40 năm son sắt với nghề diễn ra vào tối 1-11. Cuối tiết mục vì ngón chân đau không thể đi được nên bộ phận hậu đài phải kéo màn sớm để mọi người dìu ông vào sân khấu.
Linh cữu nghệ sĩ Minh Phụng được quàng tại nhà riêng số 791/7, Trần Xuân Soạn, Q.7, sau đó được đưa đi an táng tại chùa Nghệ sĩ TP.HCM ngày 6-12.
LINH ĐOAN


Thứ Năm, 27 tháng 11, 2008

എ thổ mộ























Xe " thổ mộ " là xe gì?

HỎI: Hồi tôi còn nhỏ, ba mẹ hay dùng xe ngựa (Độc mã có kéo cái thùng) như phương tiện di chuyển công cộng (chở chừng 6 người là cùng) và cứ nói là đi xe Thổ Mộ rẻ tiền. Tới nay, tôi vẫn thắc mắc là tại sao lại gọi xe do một con ngựa kéo là xe Thổ Mộ?
(Bác Hoàng Nghĩa / Fullerton)
ĐÁP: Có ý kiến từ những người thông Tây học cho rằng, Thổ Mộ là do tiếng Pháp “Tombereau” mà ra. Ý kiến này không đúng vì người Pháp ở Sàigòn (Nam Kỳ) trước đây chỉ gọi xe thổ mộ là Boite d’allumettes (hộp quẹt) hoặc “tac- à – tac” (Có lẽ vì khi chạy, vó ngựa chạm mặt đường trải đá nghe “tách, tách”). Và như Vương Hồng Sển ghi trong tự vị tiếng Việt Miền Nam: “Họ không bao giờ gọi xe thổ mộ là tombereau cả”.
Lại có ý kiến cho rằng, do từ “Tháo Mã” mà ra, vì đây là xe chở cỏ cho ngựa ăn (ở đồn Tây thời trước). Ý kiến này cũng lạ, người ta khó mà biết được tại sao “Tháo Mã” lại có thể trở thành Thổ Mộ. Huống chi bản thân hai tiếng Tháo Mã đã là tiếng Việt, dù là đọc theo âm Hán Việt. Hay là người đề xướng cách giải thích này muốn liên tưởng đến âm Quảng Đông của hai tiếng tháo mã là “ishôù mạ” chăng? Thổ mộ quả có na ná với “ishôù mạ” trong tiếng Quảng Đông, nhưng dân Quảng Đông có liên quan gì đến sự hoạt động ở các đồn Tây thời trước. Huống chi “ishôù mạ” (Tháo mã) chỉ có nghĩa là con ngựa bằng cỏ hoặc con ngựa cỏ tức ngựa hoang! Chứ đâu phải là xe chở cỏ cho ngựa ăn.
Cuối cùng, chỉ có cách hiểu “Thổ Mộ” là “ngôi mộ bằng đất” mới thật sự phù hợp để giải thích nguồn gốc của hai tiếng “Thổ Mộ” trong đoạn văn tả “xe Thổ Mộ” mà thôi: “Cái thùng xe thổ mộ với cái mui khum khum của nó rất giống cái hình một nấm mộ bằng đất”.

Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2008

Lấy chồng xứ lạ - Vọng cổ







Lấy chồng xứ lạ - Vọng cổ

Lấy chồng xứ lạ .
Tác giả : Thanh Tòng
Cellphone : +84974442847
Home : 0650562874 - Fax : 0650552702
( Hò miền Nam )
Hò ơ … Rau răm cọng cứng dể bứng khó trồng …
Có thương nhau cho lắm ơ hò …
Có thương nhau cho lắm nàng cũng lấy chồng bỏ …..
Ca Vọng kim lang
Tôi … quên mối duyên quê nghèo ,
Bao tháng năm ân tình ,
Mà giờ nàng đành nở quên sao ?
Mai đây tiễn em theo chồng ,
Tình sầu nào tái tê lòng tôi
( + + + )
An là trai làng quê nghèo chung thủy ,
Đã yêu em rồi ,
Anh nguyền trọn kiếp sắt son ,
Sao em nở quên câu thề
Để dòng đời rẻ chia tình ta ?
( + + + )
Trời đêm lác đác ánh sao sa ,
Cỏ cây im lìm tương tư ,
Em theo chồng về nơi xứ xa
Nơi quê nghèo anh nhớ khôn nguôi
(Gác vọng cổ )
Em ơi trong bóng đêm nhìn sang nhà em đang treo đèn kết hoa rộn ràng đám cưới , tim anh chợt nhói từng cơn bàng hoàng ngơ ngẫn quay quắt nhớ em , nhớ những đêm hò hẹn , hai ta tựa má kề vai tâm tình thủ thỉ xây mộng tương lai mơ ước chuyện tương …
Ca vọng cổ ( câu 1 – 2 )
Câu 1/
Phùng …… Nép vào ngực anh , em e thẹn ngượng ngùng ….
Anh trai quê hiền hòa chất phác , em nền nã áo quê nghèo duyên dáng hồn nhiên (-)
Mối tình nghèo theo ngày tháng đong đưa , ai cũng mong hai ta sớm nên nghĩa vợ chồng , nhung duyên thắm tình nồng giờ phải ly tan , bởi một chuyến lên thành em bị phù hoa cám dỗ ….
Câu 2/
Em chán cảnh đời long đong tần tão , bỏ chiếc áo quê lên phố thị đổi đời ……
Mong trả hiếu cho Mẹ Cha và thoát cảnh nhà nghèo ….
Rồi dòng đời trôi lăn đưa đẩy , cạm bẩy đô thành trói chặt lấy chân em .
Em về quê mấy lần diêm dúa y trang , son phấn làm át cả hương cau đồng nội ,
Lần nầy em đưa về quê chàng trai xứ lạ , làm đám cưới xong là em bỏ xứ ly hương ….
Nói lối :
Ôi gió thổi vi vu …. Tiếng côn trùng tỉ tê nghe áo não .
Anh tìm đến nơi hẹn hò hoài niệm chuyện yêu đương .
Sương khuya rơi thắm lạnh áo mong manh .
Thôn trang cô tịch , hồn đơn côi tê tái ….
Chợt nhà ai vẵng lên khúc nguyệt …..
Ca Chiêu quân
Cầm ….. Sao uất nghẹn …
Cung oán sầu như xé ruột ,
Khúc chiêu quân ly biệt …
Ơi hởi cao xanh sao trớ triêu phũ phàng …
Đêm tàn … sương xuống mau .
Có con chim lẽ bạn …
Kêu sương thiết tha u buồn
( Gác vọng cổ )
Em ơi anh đã dành dụm chắt chiu qua mấy mùa nắng mưa trên đồng ruộng cạn , để sắm lễ vật tư trang cho cô dâu trong ngày vui đám cưới . Giờ đây mớ tư trang buồn như chú Rể bởi cô dâu đã tách bến sang …..
Ca vọng cổ ( 5 – 6 )
Câu 5/
Đò …..
Bỏ lại bến song xưa bao mơ ước hẹn hò …..
Lần cuối gặp nhau em nói lời tạ tội, vì chữ hiếu phải đành phụ bạc người yêu (-)
Phải nhắm mắt đưa chân bỏ xứ ly gia , nơi đất khách em biết sẽ thân tàn ma dại . Nhưng em gái bỏ học , anh trai bị từ hôn , Mẹ không thuốc men , cha thở dài chép miệng , em phải hy sinh một kiếp má hồng …..
Câu 6/
Em ơi thà rằng em ngoảnh mặt làm ngơ hay kiêu căng cậy phấn son vàng bạc mà khinh chê anh vô tài bất tướng . An sẽ tự nhũ mình yêu lầm người tham mê vật chất , anh dể quên mối tình đầu yêu người khác cao quý hơn em . Nhưng lời tạ tội chân thành và nước mắt em đẫm ướt áo anh , khiến tim anh đau nhói và yêu em hơn ngày tháng củ , Anh không trách em làm người vong phụ , chỉ trách tờ giấy bạc vô tri có sức mạnh hơn tình ….
Thôi em hãy an lòng cất bước vu quy , nơi đất khách mong em không gặp cảnh bẽ bang tủi nhục , như bao cô gái quê ta lấy chồng xứ lạ rồi trở lại quê nhà tàn tạ xác thân.
( 2004 )

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2008

Mẹ


Ngàn thu vỉnh biệt
Nói Lối
Trời ơi Mẹ tôi đã mất !
Đến giây phút nầy tôi mới thấm thía thế nào là hai chữ mồ côi
TuổI tác nào mà mất Mẹ cũng thấy mình bất hạnh bơ vơ
Mẹ ơi ! bao nở bỏ chúng con trên cỏi trần làm ngườI không Mẹ
Mấy hôm trước đây nghe Mẹ dặn dò trối trăn mà lòng con đau như xé
Dù biết một ngày nào rồi Mẹ sẽ ra đi
Nhưng như thế mà còn được nhìn Mẹ nói cười - ấm lạnh với chúng con
Được chăm sóc Mẹ vài muổng cháo , thuốc thang và đùa vui với Mẹ
Nay Âm cảnh Dương gian ngàn trùng hai lối rẻ
Phận làm con phải con xin vẹn bề Thần tỉnh mộ khang
Trước Linh sàng con thắp mấy nén Nhang
Cầu xin Mẹ hiển linh về đây chứng giám
Ôi ! dương gian giờ đây như mưa sầu gió thảm
Nhạc trổi cung oán sầu mà nghe đau nhói cả tâm can
Cao xanh ơi ông bày chi cuộc tử sinh âm cảnh dương gian
Cho Nhân thế khóc mãi sầu vạn cổ
Nuốt ngược nước mắt vào lòng nén cơn thổn thức
Con gọi thầm Ơi Mẹ hởഐ Mẹ ơi
(Gác vọng cổ ) :
Mẹ ơi có công ơn nào sâu hơn công ơn sinh thành dưởng dục . Có chữ nào nặng hơn là Mẫu tử thâm ….
Ca Vọng cổ
Câu 1 / Tình …….
Nay Mẹ ra đi trơ trọi một mình ….Thế là đây Thiên thu vĩnh biệt , con ngậm ngùi câu cốt nhục tình thâm (-) Dẫu biết kiếp ngườI sinh tử loanh quanh có ai tránh được đâu hai chữ vô thường . Nhưng trước linh sang nghe nhạc trổi bi thương , con khó ngăn đôi dòng lệ thảm …..
Câu 2 / :
Nhớ năm xưa thời chiến tranh khói lửa , Mẹ bảo vệ chúng con khỏi làn tên mủi đạn vô tình ….. Bỏ xứ sở quê hương Mẹ dắt díu chúng con lánh nạn chốn đô thành ….Mẹ phải tần tảo nuôi chúng con ăn học – bao trách nhiệm chất chồng Mẹ gánh nặng oằn vai.(-). Rồi Mẹ lo dựng vợ gã chồng lo sự nghiệp chúng con , Mẹ cườI hỉ hạ thấy con cháu xum vầy đoàn tụ. Mẹ chở che con đàn cháu lủ , không quản thân Mẹ hao gầy lặn lộI gian nan ….
Câu 3/:
Chúng con lớn khôn toả đi khắp nẻo đời tìm sinh lộ . Mẹ về lại quê nhà trên nền củ quê xưa .* Mẹ thui thủi một mình ấm lạnh gió mưa – lo khói hương khói mã mồ cho Tổ Tiên dòng họ *. Đời khốn khó cháu con ít về thăm Mẹ , không trọn bề hiếu thảo với từ thân.*(-) Ai cũng tất bật bộn bề công việc làm ăn . không chăm sóc Mẹ tuổi già sức yếu * Nóng lạnh bất kỳ Mẹ một mình cam chịu , không một tiếng thở than con bất hiếu vô tình
Nói lốI :
Gió lùa khung cửa vắng
Trăng lạnh mái hiên ngoài
Đêm nghe trờI đất chuyển
Trăm năm cũng một ngày
( Gác Vọng cổ )
Bấm đốt ngón tay một đờI ngườI được mấy lần Hạnh phúc , Mấy lượt tiễn đưa ngườI thân ra huyệt mộ , ném nắm đất bụi phù du chôn lấp thi …..
Ca Vọng cổ
Câu 4 /
Hài …….Nghĩa địa âm u , còn tiếng khóc gọi kêu hoà lẫn tiếng kinh đời ….. Ôi thân tứ đạI bao lần giả hợp , cỏi vô thường được mất có không . Mấy hôm trước đây Mẹ còn gọi cháu thương con , mong đứa đi xa trở về cho Mẹ nhìn tận mặt . Mà nay Mẹ đã xuôi tay nhắm mắt nằm trong cổ áo quan giá lạnh im lìm …
Câu 5 /
Mẹ có linh thiêng xin về chứng giám lòng ăn năn không phụng dưởng lúc sinh tiền…..Chúng con biết Mẹ bao dung không hờn trách buồn phiền ….. Nhưng nổi ân hận day vò tâm nảo , thương Mẹ không một ngày sung sướng nhàn thân (-) TuổI trẻ ở thị thành Mẹ nuôi lớn đàn con . Con khôn lớn Mẹ tìm về quê ẩn dật . Mẹ cam chịu nổi yếu đau bệnh tật Chúng con biết ra thì đã muộn màng…
Câu 6/:
Nợ trần trả xong . nghĩa ân đã vẹn , Mẹ thanh thản nhẹ nhàng nhắm mắt xuôi tay . Nhưng Mẹ có hay nổi hốI hận ăn năn của đàn con ở lạI cỏi dương trần gió bụi . Mẹ đến thế gian một mình rồi ra đi trơ trọi , trả xác thân nầy cho cát bụi phù du , Đưa tiển Mẹ đi là vỉnh biệt Thiên Thu , có gặp Mẹ chăng trong giấc mộng canh chầy ……
Từ đây hết đợI hết mong
Thi hài Mẹ gởI ra đồng cô liêu
Phương Tây mấy cụm mây chiều
Mẹ về đâu tá bỏ cửa nìa quạnh hiu
Thanh Tòng
Viết ngày Mẹ ra đi
( 30/01/2007

















Thuỷ thủ
Hoang mang toạ độ luân hồi
Lênh đênh biển khổ con tàu tái sinh
Tay cầm bánh lái vô minh
Rời tàu bến trước vô tình đến đây
Tàu ma đảo quỷ bủa vây
Sau lưng trước mặt Đông Tây vô thường
Mệt nhoài : vị -xúc -thanh -hương
Luân phiên thay đổi sáu đường xuống lên
Thôi từ giả kiếp lênh đênh
Bỏ tàu , bỏ lái ta lên vào bờ
Vở bừng thức tỉnh cơn mơ
Bật cười sang sảng bây giờ hồn nhiên
Biển đời sóng loạn gió điên
Giữa con mắt bảo tịch nhiên Niết Bàn
Phúc Long Phạm Thanh Tòng
( July .1st .2001 )




Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2008

Nghệ sĩ Tiền phong Năm Sa Đéc và Má Bẩy Phùng Há



Nữ nghệ sĩ tiền phong Năm Sadec

Trong số những nghệ sĩ tiền phong nổi danh cuối thập niên 20 và trong hai thập niên 30, 40, nữ nghệ sĩ tiền phong Năm Sadec là một nghệ sĩ thiên tài, bà nổi danh về nhiều bộ môn trong lãnh vực nghệ thuật sân khấu như Hát bội, hát cải lương tuồng Tàu, cải lương tuồng xã hội, diễn kịch nói, diễn viên truyền hình và đóng phim ảnh
Mỗi loại hình nghệ thuật có một lối ca, hát, biểu diễn khác nhau, có khi hoàn toàn đối nghịch với nhau, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có học nghề một cách thấu đáo, tinh vi thì khi biểu diễn mới không lẫn lộn.Ví dụ nghệ thuật hát bội chú trọng tả ý, dùng động tác tượng trưng để diễn tả ý của câu chuyện, của tâm lý nhơn vật. Lời hát theo điệu nói lối, văn biền ngẩu , câu văn đối xứng với nhau nên diễn viên cũng nói lối theo từng vế của câu văn. Lối hát khách, hát tẩu mã cũng đòi hỏi người diễn viên hát bội vận dụng giọng nói thật lớn, như thét như gào. Vì vậy nghệ sĩ hát bội thường bị bể tiếng, tiếng nói nghe khào khào.Trái lại nghệ thuật diễn kịch thì chú trọng tả thực, từ dáng đi điệu đứng, nét mặt nụ cười đều giống như thực tế xảy ra ở ngoài đời. Đã có rất nhiều diễn viên cải lương khi diễn kịch thì cách phát âm một câu nói trong kịch vẫn còn pha giọng nói theo hơi đờn như khi anh hát cải lương. Thói quen nói giọng theo giây đờn không dễ gì bỏ được nên không phải nghệ sĩ cải lương nào cũng có thể thành công dễ dàng khi chuyễn qua diễn kịch nói.Nữ nghệ sĩ tiền phong Năm Sadec đã thành công một cách xuất sắc trong tất cả các loại hình nghệ thuật vừa kể. Khi bà hát bội, bà có nghệ danh Năm Nhỏ. Nghệ sĩ Năm Nhỏ từng là đào chánh của gánh hát bầu Thiềng năm 1925. Khi bà Năm Nhỏ sang hát bội cho gánh hát Phước Tường của bà Bầu Ba Ngoạn,nghệ sĩ Năm Nhỏ từng đóng tuồng cặp với các kép hát mặt trắng, nổi danh như kép Hai Thắng, túc là thân phụ của kép hát tài danh Minh Tơ và là ông nội của nghệ sĩ Hát tuồng cổ Thanh Tòng.Bà Năm Nhỏ khi chuyển sang hát cải lương năm 1934, bà đổi nghệ danh là Năm Sadec.Bà Năm Sadec tên thật là Nguyễn Kim Chung, sanh năm Mậu Thân 1907, tại làng Tân Đông, huyện Nha Mân, tỉnh Sadec. Thân sinh là ông Nguyễn Duy Tam, ông lập gánh hát bội nên được gọi là Bầu Tam. Hồi xưa có cô đào hát tên là Kim Chung, hát bội rất hay. Ông Bầu Tam muốn con gái của mình cũng hát hay như cô đào Kim Chung nên mới lấy tên của cô đào đó mà đặt cho con.Thuở nhỏ bà Năm theo cha mẹ học nghề hát bội, đến năm 18 tuổi bà Năm làm đào chánh cho gánh hát Bầu Thiềng. Bà Năm Nhỏ nỗi danh qua các vai Đào Tam Xuân trong tuồng Đào Tam Xuân báo phu cừu, vai Lữ Phụng Tiên tuồng Phụng Nghi Đình, vai Hồ Nguyệt Cô, tuồng Tiết Giao Đoạt Ngọc, …Trước năm 1975, Nguyẽn Phương thường đến nhà ông Vương Hồng Sển chồng của bà Năm Sadec ở số 5 đường Nguyễn Thiện Thuật, quận Bình Thạnh tỉnh Gia Định để mời Bà Năm Sadec thủ diễn một vai kịch trong Ban Phương Nam Đài Truyền Hình hoặc mời bà hát trong tuồng Đoạn Tuyệt của đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga.Lúc đó ông Vương Hồng Sển có cho mượn, dĩa hát 78 tours ghi âm hát bội của bà Năm Sadec để tôi sang cassette. Khi đi định cư ở Canada, tôi mang theo nhiều tư liệu, trong đó có cassette giọng hát của bà Năm Sadec.Nghe bà Năm Nhỏ tức bà Năm Sadec hát một lớp lối Ai tuồng Tiết Giao Đoạt Ngọc, bà Năm trong vai Hồ Nguyệt Cô. Giọng hát bội của bà Năm Sadec được hãng dĩa BéKa thu thanh lúc bà còn trẻ.Hoăc65 nghe giọng hát của bà Năm Sadec trong vai bà Phán, mẹ chồng của cô giáo Loan tuồng Đoạn Tuyệt, hát trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga. Việt Hùng trong vai Thân, anh chồng khờ, nữ nghệ sĩ Thanh Nga trong vai Loan, nữ nghệ sĩ Ngọc Nuôi trong vai Bích, em chồng và bà Năm Sadec trong vai Bà Phán, bà mẹ chồng nghiệt ngã. Cassette nầy do hãng Continental thu năm 1965.Nnghe hai đoạn minh họa giọng hát của bà Năm Sadec, với hai loại hình nghệ thuật khác nhau, bà hát phân biệt rõ ràng hai thể loại, đó không phải là một chuyện dễ dàng trong giới nghệ sĩ sân khấu.Từ năm 1925 đến năm 1934, Bà Năm Sadec đi hát cho các gánh hát bội của bầu Thiềng, gánh Phước Tường, Phước Xương, Bầu Bòn…Khi hát bội thì được giới mộ điệu tặng cho danh hiệu là một trong ngũ châu của ngành nghệ thuật hát bội. Năm viên ngọc qúy của ngành hát bội đó là các nữ nghệ sĩ Năm Nhỏ (bà Năm Nhỏ là dâu của bà bầu Ba Ngoạn) các bà Năm Đồ, Cao Long Ngà, Năm Sadec và Ba Út.Quá trình nghệ thuật Bà Năm Sadec nổi danh qua các vai tuồng Ngũ Biến Báo Phu Cừu, Đào Tam Xuân, Lữ Phụng Tiên, Địch Thanh, Triệu Tử Long, Hồ Nguyệt Cô, Phàn Lê Huê, Địch Thiên Kim….Từ năm 1934, Bà Năm chuyển qua hát cải lương, đổi nghệ danh là Năm Sadec. Bà hát cho các gánh hát Huỳnh Kỳ, Trần Đắc, Song Phụng, Phụng Hảo.Bà hát tuồng cải lương xã hội, tuồng Tàu, nổi tiếng qua các vai Lữ Phụng Tiên, Địch Thanh, Manh Phu Nhơn, Đổng Trác. Khi bà Phùng Há hát vai Lữ Bố thì bà Năm Sadec hát vai Đổng Trác.Có thể nói vai Đỗng Trác phía nam diễn viên thì nghệ sĩ Năm Định hát rất xuất sắc. Đến khi bà Năm Sadec thủ vai Đỗng Trác, chẳng những bà diễn được những miếng, mãn hay như nghệ sĩ Năm Định, bà Năm Sadec còn làm cho khán giả cười vở bụng vì lối diễn lẵng của bà trong lớp nhập trướng với Điêu Thuyền.Đầu thập niên 60, khi ngành kịch nói bắt đầu hoạt động mạnh ở Saigon thông qua những suất diễn kịch ngắn, kịch truyền thanh, bà Năm Sadec được mời tham gia Ban Kịch Kim Cương, Ban Kịch Thẩm Thúy Hằng diễn kịch tại các đại nhạc hội chúa nhựt. Bà cũng hát cải lương đoàn Thanh Minh Thanh Nga mà vai tuồng để đời của bà là vai bà Phán trong tuồng Đoạn Tuyệt.Từ năm 1966, 1967, Bà Năm Sadec được các Ban Kịch Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương, Ban kịch Sống Túy Hồng, Ban kịch Phương Nam Nguyễn Phương mời thủ diễn các vai bà tư sản, hội đồng hoặc các bà nông dân chất phác trên Đài Truyền Hình Saigon. Bà cũng là diễn viên được ưa chuộng trong chương trình Thép Súng của Đài Phát Thanh và Truyền Hình Quân Đội.Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, bà bị không cho đăng ký hành nghề vì tội đã diễn kịch trong chương trình Thép Súng của Đài Truyền Hình Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa.Năm 1986, ông Nguyễn Văn Linh tuyên bố cỡi trói cho văn nghệ sĩ, bà Năm Sadec được mời đóng vai các bà nông dâng trong phim “Phù Sa”, phim “Nơi bình minh chim hót”, phim “Con thú tật nguyền” và phim “Cho đến bao giờ” tại Sadec, Nha Mân vÀ Đồng Tháp Mười.Hai ngày sau khi quay xong phim ở Đồng Tháp Mười, bà về đến nhà, ngã bịnh mất vào ngày 26 tháng giêng năm 1988.Di thể của Bà không được quàn ở Hội Nghệ Sĩ, không được an táng trong Nghĩa Trang Nghệ Sĩ và nghệ sĩ cải lương và hát bội cũng không được thông báo để viếng bà lấn chót. Ông Vương Hồng Sển đưa linh cữu của bà về an táng tại huyện Nha Mân, quê hương của bà.
tancogiaoduyen (Theo SG Nguyễn Phương - DACTD

Má Bẩy Phùng Há

Theo chân đòan làm phim: Chân dung NSND Phùng Há
02.04.2008 08:08
NS Phùng Há, chụp vào rằm tháng giêng 2008. Hình: ngocanh
Mừng sinh nhật lần thứ 98 của NSND Phùng Há, MC Thanh Bạch đã thực hiện bộ phim chân dung về bà do chính anh là tác giả kịch bản và đạo diễn. Bộ phim được thực hiện khá công phu về quảng đời nghệ thuật của NSND Phùng Há và những kỷ niệm trong đời làm diễn viên của bà qua hình ảnh, tư liệu quý mà các nghệ sĩ là học trò của bà cung cấp.
Theo chân đòan làm phim, chúng tôi đến thăm NSND Phùng Há tại một gian nhà nhỏ nằm trong khuôn viên chùa NS (Gò Vấp). Ngồi tựa lưng vào ghế salon, lão nghệ sĩ giản dị trong bộ bà ba màu nhạt, cổ quàng một chiếc khăn tía, bà vào câu chuyện mạch lạc, chậm rãi. Bà sinh năm Đinh Hợi tại vùng đất Mỹ Tho trù phú. Cha là một đại thương gia người hoa, mẹ là phụ nữ lớn lên tại Mỹ Tho . Mẹ của bà sống gần bên lò gạch của cha bà. Thế là “công tử đại gia thương yêu cô thôn nữ” nên bà sinh ra đời mang trong người hai dòng máu Hoa – Việt với cái tên Trương Phụng Hảo. Bà kể: “Cha tôi sống hiền lành, gia đình hạnh phúc không bao lâu thì ông bệnh năng và qua đời. Lúc đó tôi mới 5 tuổi. Theo phong tục Trung Hoa, cả nhà tôi phải về Hạc Sơn (Quảng Đông – Trung Quốc) để sống với bên nội. Mấy anh chị em phải học tiếng Hoa, do đó tôi thuộc cả quyển Tam Tự Kinh nhưng “dốt đặc” chuyện viết chữ tàu. Năm 11 tuổi bà ngọai tôi bị mù mắt nên tôi phải theo mẹ về Việt Nam. Lúc đó bên nội không bằng lòng, mấy anh tôi có vẻ không ủng hộ mẹ. Chỉ có tôi sẵn sàng theo mẹ, có lẽ vì vậy mà tôi không còn được bên nội thương. Về quê ngọai tôi được học chữ quốc ngữ. Thấy mẹ ốm đau mà vẫn phải làm lụn để nuôi con, tôi càng muốn giúp mẹ bằng cách đi bán bánh, đi xúc tép, bắt cua …cơ cực đến độ phải bán nhà mới đủ tiền chữa bệnh. Dì Tư em kế của mẹ tôi dắt tôi đi in gạch. Thế là nhờ biết ca mà tôi được người ta thương , in và bưng dùm những thiên gạch nặng hàng trăm viên. Tưởng câu chuyện hát hò chỉ để giúp vui mấy cô, mấy chú trong lò gạch , ai dè tới tai thân sinh của ông Hai Giỏi, ông vào tận nhà xin mà cho tôi theo nghề hát. Điều tôi muốn nói trong hai đêm từ thiện chính là lòng biết ơn đối với khán giả đã thương yêu và quan tâm đến tôi cũng như các thế hệ NS trong mấy mươi năm qua. Tôi cũng biết ơn hòan cảnh đã kiến tạo cho mình lòng tin để bước vào nghề hát”.Nhắc tới nghệ sĩ cùng thời, bà nhớ ngày mới đi hát , vì học rất ít nên so với anh em trong đòan bà chẳng bằng ai. Nhưng được cái sáng dạ nên bà được bầu giao đóng vai chính. Năm 1923 đi chợ mỗi ngày mất có mấy xu mà một đêm bà hát được 8 cắc (10 xu là một cắc). Bà vừa học tuồng vừa học chữ. Còn nghề thì được NSND Năm Châu và mấy anh chị trong đòan dạy. Bà nhớ nhất vai Thúy Kiều, Điêu Thuyền rồi đến vai vợ của Hòang Phi Hổ …bà nói mình chịu ảnh hưởng của NSND Năm Châu. Bà cười: “Ảnh chỉ vẽ cho tôi nhiều đường sáng tạo. Sau này có anh hai Trần Văn Khê, một người uyên bác về học thuật, một “con mọt” âm nhạc có ít cho xã hội. Tôi, Kim Cương và anh có kỷ niệm hát trích đọan Phụng Nghi Đình tại Đức (19640 . Tôi đóng Lữ Bố, Kim Cương đóng Điêu Thuyền, anh Hai phân tích bằng tiếng nước ngòai về nét đẹp của nghệ thuật cải lương Việt Nam. Tuy là tuồng Tàu nhưng đường nét, kỷ thuật, cách ca diễn rất Việt Nam. Năm đó có đòan Đài Loan tham dự Hội nghị cũng mang theo Phụng Nghi Đình, nhưng khi chúng tôi diễn ai cũng khen. Khen nhất là cách sáng tạo để lấy cái hay của mình làm phong phú thêm vốn liếng tinh hoa của nhân lọai. Năm ngóai, trong lễ mừng thọ 97 tuổi của tôi tổ chức tại chùa NS, cuộc hội ngộ của 3 chúng tôi thật là ấm lòng”.NSND Đinh Bằng Phi tâm sự: “Không phải chỉ có dân ghiền cải lương mới biết đến bà, một ngôi sao sân khấu tỏa sáng từ nhiều thập niên của thế kỷ XX. Bà không chỉ là người thầy truyền nghề, là tấm gương sáng của nhiều thế hệ nghệ sỹ, mà bà còn là người mẹ, người cô đã lo lắng, dìu dắt các đồng nghiệp trẻ suốt 50 năm qua”.Còn riêng với bà, khi nói với đòan làm phim, bà đã nhấn mạnh: “Tôi chỉ nhắn nhũ với các em phải trau dồi kiến thức để làm đẹp cho nghề. Bây giờ công chúng được tiếp xúc với nhiều phương tiện giải trí hiện đại, nghề hát cứ ăn mòn những cái có sẳn mấy chục năm qua thì sẽ tuột hậu. Còn quá khứ vinh quang rồi cũng thành kỷ niệm, có nhắc lại cũng để mua vui vài trống canh cho người xem hòai niệm về mình. Tôi thích nhất là được xem một buổi tập hợp có tất cả những học trò thân thương của mình, từ Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Út Bạch Lan, Diệp Lang,…đến Thanh Thanh Tâm, Kim Tử Long, Thọai Mỹ, Vũ Luân, Tú Sương…để qua đó có thể vui mừng vì em cháu đã biết chắc lọc sáng tạo, vun vén cho nghề cái mới. Tôi nhớ Thanh Nga quá…người học trò cưng nhất bên cạnh Bạch Tuyết. Tôi chỉ có một câu tôi chưa nói với ai: nghệ sĩ mình tự ái với nhau nhiều quá, nên dành lòng tự ái đó cho vai diễn. Hồi đó diễn với anh Năm Châu theo xu hướng sân khấu thật và đẹp, đêm nào lỡ bộ một chút là hai anh em thức trắng vì ân hận. Tự ái ở đây là vai diễn sau phải hay hơn vai diễn trước. Chứ quần này áo nọ, dây chuyền vàng, xe hoa…tất cả đều là phù phiếm. Nghề hát phải biết tích đức, cứ chạy theo tích hào quang rồi có lúc cũng lui vào quên lãng”.Đòan làm phim của MC Thanh Bạch ai cũng phấn khởi, bởi vì khi thấy máy quay hình và chiếu sáng, bà muốn vun tay, múa bộ, muốn đi vào đường quyền để nhớ đến vai An Lộc Sơn. Cũng may MC Thanh Bạch ngăn lại, cắt ánh sáng và đóng máy quay, nếu không ảnh hưởng đến sức khỏe của bà. Tất cả đều thầm mong bà sẽ giữ được sức khỏe để con cháu các thế hệ nghệ sĩ có điều kiện mừng thọ bà ở tuổi 100. Vâng chỉ còn hai mùa xuân nữa là bà đã tròn 100 tuổi…Thanh Hiệp
ngocanh (Theo Báo sân khấu)

Con ngoan ( vọng cổ 4 câu )







Con ngoan - Vọng cổ

Con ngoan
Tác giả : Thanh Tòng
Cellphone : +84974442847
Home : 0650562874 - Fax : 0650552702


Hai à , con ngồi xuống đây , Ba có lời muốn nói .
Nói lối :
Cánh đàn ông chúng ta thường ít lời và không quen nhỏ to tâm sự ,
Lại là Cha con nên không mấy khi ngồi bên nhau ấm lạnh xẽ chia ,
Nhưng ngày mai đây con bắt đầu cuộc sống hôn nhân
Con đã trưởng thành và rẽ khúc quanh trên đường đời vạn nẽo ,
( Gác vọng cổ )
Con ơi ! Ba không phải là người học cao hiểu rộng Ba chỉ nói với con những lời ngợi khen mộc mạc chân ….
Ca vọng cổ ( 1 - 2 )
Câu 1/
Thành …. Xuất phát từ tình cãm thiêng liêng phụ tử thâm tình …
Cha biết tuổi trẻ chúng con hôm nay tài ba , năng động , kiến thức có thừa và bãn lỉnh hơn Cha Ông (-)
Nhưng để được chen chân một chổ đứng trong Xã hội hôm nay , con phải vượt bao thử thách đắng cay , nghiệt ngã của cuộc đời . Con đã tự mình chòi đạp ngoi lên , mong thoát khỏi cảnh Cha Ông bao đời dầm mưa dãi nắng …
Câu 2/
Con đậu Tú tài Ba hảnh diện có đứa con hiếu học , Ba được tiếng thơm với thân tộc họ hàng ….
Ba cám ơn con đã làm cho nhà ta vinh dự rỡ ràng ….
Rồi con bỏ quê hương , mong có mãnh bằng Đại học . Con xoay sở một mình nơi phố thị đua chen (-)
Bởi Ba Má quá nghèo không kham nổi tiền trường tiền sách cho con , thương con tất tã ngược xuôi làm tiếp thị , dạy kèm để có tiền ăn học .
Ngày con tốt nghiệp Ba Má mừng muốn khóc , con khoe mãnh bằng mà Ba má tưởng nằm mơ …
Nói lối :
Ba Má biết con hiếu thảo ngoan hiền thương em thương Mẹ .
Con không nở xa lìa mái lá quê hương
Nhưng nặng nợ công danh con phải cất bước lên đường
Tím sinh lộ thoát khỏi cảnh trăm năm Ông Cha cơ cực .
( Gác vọng cổ )
Ngày con khăn gói hành trang lên đường Ba Má nửa mừng nửa sợ , Sợ con ngây ngô trẻ người non dạ , sợ cạm bẫy thành đô là con choáng ngộp rồi vấp ngã sa chân quên cội quên ……..
Ca vọng cổ ( 5 - 6 )
Câu 5/
Nguồn …. Có biết bao con gái con trai ở quê ta làm Cha Mẹ đau buồn …
Con gái về quê thì phô trương áo quần son phấn , con trai thì khoe giỏi khoe tài những thành tích ăn chơi (-) Nhưng con về quê vẫn áo trắng tinh khôi , tay xách tay mang bánh quà về cho em cho Mẹ .
Con đã dành dụm xây ngôi nhà khang trang sáng đẹp cho Mẹ Cha an hưỡng tuổi già ….
Câu 6/
Mẹ con thường bảo : Thằng Hai làm việc ở Sài gòn chắc mình có dâu thành thị , chê con mình quê mùa rồi hạnh phúc mong manh (-)
Nhưng ngày mai nầy con làm lễ thành hôn cưới cô bạn học thuở còn giành nhau củ khoai trái ổi .
Chính Ba Má không ngờ con có chung có thủy , thành danh rồi mà không phụ gái quê mùa khép nép áo Bà Ba . Con bảo đám cưới xong vợ con ở lại quê hương , gánh vác thay con lo phụng dưỡng song đường …
Hơn nửa đời người vất vã nuôi con , nay Cha Mẹ đã được đền bù xứng đáng .
Với làng nước con là công dân ưu tú , với thân tộc gia đình con là đứa con ngoan .
( 2004 )


Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2008

Lược sữ Cải lương




Lược sử Cải lương
Lược sử cải lương trong văn học nghệ thuật[14/07/2007 - Thanh Tùng Services]
Hễ nói đến Cải Lương là nói đến sự đau buồn của dân tộc ta dưới ách cai trị của thực dân Pháp, tiền nhân ta đã bao lần vùng dậy nhưng bị dẹp tan rồi cam chịu hẩm hiu, bên trong thì âm ỉ lòng yêu nước, ý chí này tiềm ẩn trong các tác phẩm văn chương ca ngợi cảnh vật thiên nhiên, với những lời lẽ thật là bi thiết, đó là tiếng kêu ai oán của một dân tộc mất hết chủ quyền, muốn xé tan bức màn đen mà khả năng chưa làm được.
1. Xin định nghĩa Cải Lương là gì? Cải Lương (To reform), còn hát cải lương (Renovated theatre hay modern theatre). Có nghĩa là Cải Cách từ hát bộ theo âm nhạc miền Nam, nên gọi là Cải Lương.
Truy nguyên lịch sử hình thành sân khấu cải lương, chúng tôi xin chia làm ba quá trình như sau:
- Quá trình sáng tác nhạc điệu. - Quá trình hát chèo và hát bộ. - Quá trình cải lương hát trên sân khấu.
a) Sáng tác nhạc điệu.
Theo lịch sử âm nhạc Việt Nam của Tiến sĩ Trần Văn Khê và "Cổ nhạc tầm nguyên" của nhiều tác giả, được trường Quốc Gia Âm Nhạc cho giảng dạy, nói rằng: vào đầu thế kỷ 20 có ông Ba Khị và Ba Chột.
(Ba Chột là con của Ba Khị), người ở quận Cái Bè tỉnh Mỹ Tho sáng tác ra các điệu nhạc và dạy ca, trong đó căn bản nhất là: 3 bài Nam, 6 bài Bắc, 6 bài Oán:
- 3 bài Nam gồm: Nam Xuân, Nam Ai, Nam Đảo.
- 6 bài Bắc gồm: Tây Thi, Cổ Bản, Lưu Thủy Trường, Phú Lục, Bình Bán Chấn, Xuân Tình.
Trong sáu bài Bắc đều là những bài rất hay, đặc biệt bài ca Lưu Thủy Trường và Phú Lục của ông Cao Hoài Sang nhan đề "Bá Nha, Tử Kỳ" và một lớp ca Xuân Tình không rõ tên tác giả nhan đề "Tống Tửu Đơn Hùng Tín", hai tác phẩm này nói lên tình tri kỷ tri âm và nghĩa kim bằng đã trở nên bất hủ.
- 6 bài Oán gồm: Giang Nam, Tứ Đại Oán, Bình Sa Lạc Nhạn, Thanh Dạ Đề Quyên, Trường Tương Tư, Văn Thiên Tường.
Ngoài ra, rất nhiều bài ngắn gọi là bài bản gồm đủ hỉ nộ ái ố.
Vào thời ấy cha con nhạc sĩ Ba Khị sáng tác và truyền bá khắp các tỉnh miền Tây, thịnh hành nhất ở tỉnh Bạc Liêu, và tại Bạc Liêu có ông Sáu Lâu tức Cao Văn Lâu dựa theo bài Dạ Cổ Hoài Lang của ông Ba Khị vốn có 4 nhịp, sáng tác ra bài Vọng Cổ 32 nhịp, từ đó bài Vọng Cổ nhịp 32 hấp dẫn nhiều người và cả nước mến mộ. Hình thức phổ biến lúc bấy giờ, ông Ba Khị chỉ đào tạo ca sĩ để ca trong các đám tiệc gọi là ca Salon, nhưng có hấp lực mạnh mẽ, cho nên ở đâu có đờn ca thì dân chúng tụ họp để nghe, có khi suốt cả đêm, dần dần có nhiều giọng ca thiên phú xuất hiện làm tăng sự thu hút của môn ca nhạc này, đồng thời các hãng đĩa Asia, Kim Khánh... ra đời.
b) Quá trình hát chèo và hát bộ.
Nói đến sân khấu chúng ta không thể bỏ qua hát chèo và hát bộ. Theo Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim, vào thế kỷ thứ 10 ta có hát chèo, hát chèo tức là dùng 36 điệu dân ca miền Bắc hát ra bộ trong một kịch bản, bộ môn này hiện nay vẫn còn áp dụng trong những ngày lễ cổ truyền. Trong thế kỷ này bà Phạm Thị Trân được vua Đinh Tiên Hoàng trọng dụng cho dạy hát chèo trong quân đội.
Còn hát bộ hay hát bội, bộ môn này giông giống hát hồ quảng bên Tàu. Cũng trong Việt Nam Sử Lược, vào thế kỷ thứ 13 đức Trần Hưng Đạo đánh thắng giặc nhà Nguyên, có bắt được ông Lý Nguyên Cát vốn là con hát trong quân đội Mông Cổ, sau khi được tha ông ở lại Việt Nam và đem nghệ thuật hát bộ dạy người mình hát, từ đó ta có hát bộ và thịnh hành nhất vào đời vua Trần Du Tông, bấy giờ nhà vua khuyến khích ca hát, bắt các vương hầu, công chúa đặt ra tuồng để hát, những vị này được gọi là thầy tuồng và ngày nay gọi là soạn giả. Thời bấy giờ người ta thường lấy truyện tích bên Tàu mà đặt thành tuồng như: Trảm Trịnh Ân, Vạn Huê Lầu, Tiết Nhơn Quý chinh đông, chinh tây, Tiết Đinh San Cầu Phàn Lê Huê, Hán Sở Tranh Hùng, Đắp Đập Bàn Đước, Châu Du Thổ Huyết v.v.. Bộ môn này sống thật lâu, từ thế kỷ 13 đến khi cải lương thịnh hành mới đi vào lịch sử, nhưng vẫn còn áp dụng trong những ngày lễ cổ truyền. Còn hát hồ quảng là hoàn toàn phỏng dịch theo người Tàu.
c) Quá trình Cải Lương hát trên sân khấu. (Gánh hát bầu Bòn)
Trước năm 1945 có nhiều đoàn hát bộ, trong miền Nam có gánh hát ông bầu Bòn là một đại ban, lợi dụng chỗ có sân khấu và phong trào ca Vọng cổ thịnh hành, ông bầu Bòn muốn làm cho mới lạ, cho xen bài Vọng cổ vô tuồng hát bộ được khán giả mến mộ, ông bèn lập ra đoàn Cải lương "Tấn Thành Bang" (đại bang) và về sau nhiều đoàn khác ra đời. Những nghệ sĩ nòng cốt của đoàn Tấn Thành Bang bấy giờ được xem như là hệ Thứ nhất, những nghệ danh từ khởi đầu và nối tiếp xin được xếp theo thứ tự như sau:
- Thế hệ thứ nhất.
Nam gồm có: Bảy Nhiêu, Năm Châu, Tư Út, Từ Anh, Bầu Thới, Ba Vân, Tám Vân, Tư Chơi... ngoài Bắc có Huỳnh Thái... đoàn Tiếng Chuông Vàng Thủ Đô của ông bầu Long.
Nữ gồm có: Phùng Há, Năm Phỉ, Bảy Nam, Kim Cúc, Kim Lang, Sáu Nết, Kim Huê, Ba Ngưu, Kim Anh, cô ba Hélène... ngoài Bắc có: Kim Chung, Bích Thuận, Thúy Liệu...
- Thế hệ thứ hai.
Nam gồm có. Bảy Cao, Út Trà Ôn, Năm Nghĩa, Hoàng Giang, Thanh Tao, Ba Khuê, Việt Hùng, Hai Tỷ, Ba Tẹt...
Nữ gồm có: Ngọc Nuôi, Kim Luông, Kim Nên, Kim Chưởng, Kim Giác, Ái Hữu, THúy Nga, Bích Sơn.
- Thế hệ thứ ba.
Những nghệ sĩ đang hành nghề từ trong nước ra đến hải ngoại:
Nam gồm có: Hữu Phước, (đã mất), Thành Được, Hùng Cường (đã mất), Văn Chung, Hùng Minh, Dũng Thanh Lâm, Thanh Hải, Tấn Tài, Phương Quang, Út Hậu, Út Hiền, Phương Thanh, Hoài Thanh, Minh Cảnh, Minh Vương, Minh Phụng, Thanh Sang, Thanh Tuấn, Phước Hậu, Nam Hùng, Chí Tâm, Linh Tuấn, Vũ Phương Khanh, Điền Thanh, Thanh Bạch, Thanh Tòng, Hương Huyền, Bảo Châu...
Nữ gồm có: Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Thanh Nga, Lệ Thủy, Phượng Liên, Hương Lan, Hồng Nga, Trương Ánh Loan, Thu Vân, Thanh Kim Huệ, Tô Kim Hồng, Ánh Hoa) Thanh Thanh Hoa, Hồng Vân tức Trâm Anh, Kim Tuyến, Phượng Mai, Tài Lương, Tài Linh, Bình Trang, Kiều Mai Lý, Thoại Miêu, Thu Hồng, Kiều Mỹ Loan, Phương Nga...
- Thế hệ thứ tư.
Người viết đã ở hải ngoại, chỉ biết vài nghệ sĩ quen thuộc hoặc gia đình như: Chí Thanh tức ca sĩ Chế Thanh tân nhạc hiện nay, huy chương vàng Cải Lương năm 1990, Ngân Tuấn, Chiêu Hùng, Trọng Nghĩa, Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Thoại Mỹ, Thanh Ngân...
Bộ môn Cải Lương thịnh hành nhất vào ba thập niên 50, 60, 70. Trong thập niên 50 có các đoàn hát: Hoa Sen, Thanh Minh, Thanh Cần, Mộng Vân, Nhạn Trắng, Tiếng Chuông, Kim Chưởng, Thúy Nga... ngoài Bắc có đoàn "Tiếng Chuông Vàng Thủ Đô", đến năm 1954 di cư vào Nam đổi tên là Kim Chung, đến thập niên 60 đoàn Kim Chung phát triển thêm 5 đoàn từ Kim Chung 1 đến Kim Chung 5. Và đoàn Thanh Minh đổi tên là Thanh Minh Thanh Nga, có lúc thêm đoàn Thanh Minh Thanh Nga 2. Kể từ thập niên 60 phát triển thêm nhiều đoàn, tổ chức sân khấu có kỷ luật quy cũ, nghệ thuật kỹ thuật và tuồng tích của nhiều soạn giả đạt đến trình độ rất cao. Trong hàng ngũ soạn giả nhiều người ưu tú có tuồng tích rất hay lưu truyền trong lòng quần chúng. Đến năm 1975 Cải Lương vẫn còn thịnh hành, ở thành phố Sài Gòn có các đoàn: Sài Gòn 1, Sài Gòn 2, Sài Gòn 3, Trần Hữu Trang, Thanh Nga, Phước Chung, Minh Tơ (Cải Lương Hồ Quảng), Sống Chung, Tuổi Trẻ, Trung Hiếu, 30 tháng 4...
- Ở mỗi tỉnh có từ 1 đến 3 đoàn. Ở Quận Huyện mỗi nơi có một đoàn, tỉnh nào quận nào mang tên nơi đó Thí dụ: Tỉnh Sông Bé mang tên Sông Bé I, Sông Bé II, Sông Bé III. Tỉnh Long An mang tên Long An, Vàm Cỏ v.v... Các đoàn từ cấp tỉnh đến huyện đều do cán bộ văn hóa quản lý chặt chẽ... Đến năm 1988 Cải Lương bắt đầu xuống dốc, đến khoảng cuối năm 1990 khán giả không còn đến hí trường đông đảo như trước, ngành kinh doanh nghệ thuật lỗ nặng rồi tan rã dần dần, đến nay thì cấp tỉnh và Saigon gần như không còn đoàn hát nào, chỉ còn cấp quận huyện có vài nơi còn đoàn hát, nhưng sống lây lất thật là bi đát.
2. So sánh giữa hát bộ và cải lương.
Là người trong nghề chúng tôi thấy rằng, hát bộ diễn tả hỉ nộ ái ố khó khăn hơn cải lương. Bởi, hát bộ bị đóng khung trong các thể điệu: nói lối bạch, nói lối đo, hát khách, hát tẩu, hát nam ai, hát nam chạy, thán... Chỉ bằng ấy thể điệu cộng với điệu bộ diễn xuất, cho nên người diễn phải tận dụng hết khả năng để diễn cho ra vẻ: hùng mạnh, giận dữ, thương cảm, lảng lơ, tán tỉnh, thất bại, tử vong, chia ly, đoàn tụ, khôi hài v.v... nhứt nhứt phải nằm trong khuôn khổ mấy thể điệu đã kể. Còn Cải Lương thì vô cùng phong phú, mỗi điệu ca, mỗi điệu lý đều có sẵn đặc tính vui buồn, phẫn nộ, hận thù, lãng mạn, lả lơi, trữ tình, hài hước v.v... Ngoài ra, còn có thể xen 36 điệu dân ca miền Bắc, các điệu hò miền Trung và có thể xen tân nhạc mà tuồng vẫn không bị lạc điệu của cải lương. Cho nên có thể nói cải lương là bộ môn nghệ thuật có chất lượng cao, muốn diễn tả cái gì cũng được, muốn phổ cập triết lý, tư tưởng nào cũng dễ dàng, soạn tuồng lịch sử hay xã hội loại nào ra loại đó. Về lĩnh vực giáo dục quần chúng, những điệu ca ngâm làm hấp dẫn người nghe như xoáy sâu vào cân não, dễ nhớ, dễ lĩnh hội nội dung cốt chuyện rất hữu dụng cho việc vận dụng tâm lý, chứ không bị gò bó như hát bộ.
3. Tương lai của cải lương và kết luận.
Như trên đã trình bày, cải lương là bộ môn nghệ thuật thuần túy của dân tộc ta, tiền nhân đã sáng tạo rất công phu, người ở ba miền Bắc, Nam, Trung đều thưởng thức được. Nhưng hiện nay gặp phải khoa học kỹ thuật tối tân, khán giả không cần phải đến hí trường, cứ nằm ở nhà có VCR cũng vẫn xem cải lương được. Sự kiện này làm cho các nhà tổ chức bị lỗ lã không còn dám đứng ra gánh vác, nghệ sĩ mất đất dụng võ phải sinh sống bằng những nghề bất đắc dĩ khác. E rằng, rồi đây cải lương cũng sẽ đi vào lịch sử như hát bộ, nhượng chỗ cho điện ảnh và video. Viễn ảnh không sáng sủa cho nghệ thuật cải lương đã thấy rõ, nhưng chúng tôi chưa có phương cách để phục hồi. Thiết nghĩ, nếu muốn phục hồi cần phải có những bậc cao kiến có khả năng tổ chức, chú trọng tu dưỡng sân khấu, họp với soạn giả, nhạc sĩ đào tạo mầm non trẻ trung hóa sân khấu. Nghệ sĩ phải biết giữ nghề nghiệp, không vì lợi trước mắt đóng phim video vô tình làm cho sân khấu mất khán giả. Các nhà biên soạn phải thay đổi lối viết, lối dàn dựng, nghiên cứu so sánh với phim ảnh để đáp ứng đúng thị hiếu của lớp tuổi trung niên và lớp trẻ.
Đặc biệt ở hải ngoại, vì cuộc sống quá bon chen, mọi người đều chú tâm giữ Job, xem việc bồi dưỡng tinh thần là phụ thuộc không mấy cần thiết, cho nên phải có cái gì thật đặc biệt mới cuốn hút được họ bỏ thì giờ đi đến hí trường.
Trên đây là một vài thiển nghĩ của người viết, muốn đề nghị phương cách giữ lại cái tinh hoa của văn hóa dân tộc. Chứ để cho bộ môn nghệ thuật này bị mai một thì thật là tiếc uổng lắm thay.
Vinh Danh Tổ Nghiệp Cải Lương.
Căn cứ theo các sử liệu của dân tộc Việt Nam. Chúng ta nên cô đọng các sinh hoạt nghệ thuật: hát chèo, hát bội, cải lương qua các thời đại để vinh danh những nghệ sĩ tiền bối đã đóng góp công phu của mình để lại cho con cháu nhà Nam ta. Người viết chỉ danh các vị tiền bối theo "Việt Nam Sử Lược" của cụ Trần Trọng Kim như sau đây:
Xin tạm chia làm ba thời đại.
1) Thời đại thứ nhất: (Thế kỷ thứ 10 đến 13)
- Bà Phạm Thị Trân, thế kỷ thứ 10, dạy hát chèo trong quân đội nhà Đinh (vua Đinh Tiên Hoàng).
Ông Lý Nguyên Cát, dạy hát bội trong quân đội Mông Cổ. Vào thế kỷ 13 xâm lăng Việt Nam bị bắt làm tù binh, khi được tha ông xin ở lại Việt Nam và đem nghề hát dạy cho người Việt chúng ta.
2) Thời đại thứ hai:
(Thế kỷ 14 đến 1 vua Trần Dụ Tông (1341-1400). Nhà vua khuyến khích ca hát, bắt dầu có "thầy tuồng" tức là soạn giả.
Ông Đào Duy Từ, thế kỷ 16, phổ biến nghệ thuật hát bội trong miền Nam.
3) Thời đại thứ ba (đầu thế kỷ 20)
Ông Ba Khị và Ba Chột (Ba Chột là con ông Ba Khị) Sáng tác ra 3 bài Nam, 6 bài Bắc, 6 bài Oán, và các thể điệu khác v.v... (Lịch sử âm nhạc Việt Nam và Cổ nhạc tầm nguyên).
Ông Sáu Lầu tức Cao Văn Lầu. Lấy bài Dạ Cổ Hoài Lang của ông Ba Khị, phóng tác ra bài Vọng Cổ nhịp 32. Vì bài Dạ Cổ Hoài Lang chỉ có 4 nhịp.
Như đã trình bày ở trên thì có bảy vị đã dày công xây dựng nền nghệ thuật từ hát chèo, hát bội và đến cải lương. "Như vậy chúng ta phải vinh danh quý Ngài là tổ nghiệp qua ba thời đại mới đúng". Chớ cứ theo truyền thuyết xưa nay nói rằng: Tổ nghiệp cải lương vốn là "người ăn mày" hay là "Ba vị hoàng tử" thì e rằng quá sai lầm. Vì không có sử liệu nào để chứng minh cho việc suy tôn này.
Garden Grove 22-5-1998

Bài bãn Cổ nhạc

Hòa tấu Quốc nhạc
Hòa tấu cổ nhạc 1 - Văn Mỹ
Nghe
Player

Trình bày:
Tác giả:
Thuộc thể loại: Hòa tấu
Số lần nghe: 8343

1. (LIÊN NAM) NAM XUÂN, NAM AI - ĐẢO NGŨ CUNG


2. PHỤNG HOÀNG (12 CÂU)


3. XUÂN TÌNH (LỚP I VÀ LỚP IV)


4. KHÓC HOÀNG THIÊN VÀ PHONG BA ĐÌNH


5. NẶNG TÌNH XƯA


6. TRĂNG THU DẠ KHÚC - VỌNG CỔ 1, 2, 3


7. XÀNG XÊ


8. SƯƠNG C HIỀU


9. VĂN THIÊN TƯỜNG QUA XẾ XẢNG


10. LƯU THỦY HÀNH VÂN, VỌNG CỔ 5, 6


11. PHI VÂN ĐIỆP KHÚC


12. TRƯỜNG TƯƠNG TƯ (LỚP I VÀ LỚP III)


13. LIÊU GIANG



Hòa tấu cổ nhạc - Nhạc sĩ Hoàng Phúc
Nghe
Player

Trình bày:
Tác giả:
Thuộc thể loại: Hòa tấu
Số lần nghe: 6098

1. GIỚI THIỆU NHẠC SĨ HOÀNG PHÚC


2. DẠ CỔ HOÀI LANG (DÂY KÉP)


3. LƯU THỦY TRƯỜNG (32 CÂU)


4. ĐOẢN KHÚC LAM GIANG


5. VỌNG CỔ 1, 2, 3 KÉP


6. XUÂN TÌNH LỚP 1 VÀ 4


7. PHI VÂN ĐIỆP KHÚC


8. VỌNG CỔ CÂU 1 VÀ 2 ĐÀO


9. TÂY THI (26 CÂU)


10. VỌNG KIM LANG (DÂY ĐÀO ĐÀN 2 LẦN)


11. LIÊN NAM (NAM XUÂN, NAM AI, NAM ĐẢO)


12. PHỤNG HOÀNG (12 CÂU DÂY ĐÀO)


13. XÀNG XÊ (8 CÂU)


14. TỨ ĐẠI OÁN (6 CÂU)


15. SƯƠNG CHIỀU


16. VỌNG CỔ 4, 6 (DÂY KÉP)


17. VĂN THIÊN TƯỜNG (15 CÂU LỚP 1)


18. LIỂU THUẬN NƯƠNG QUA KHÓC HOÀNG THIÊN

Tiền Tổ và Hậu Tổ Cải lương




Tổ Cải Lương



Ông Tổ Cải Lương tên thật là Tống Hữu Định, bút hiệu Tịnh Trai, người ta còn gọi là Thầy Phó Mười Hai - gọi Thầy Phó vì ông từng làm Phó Tổng đất Vãng (sau đổi thành tỉnh Vĩnh Long) và gọi Mười Hai là theo hạng thứ trong gia đình. Ông sanh năm 1896 tại làng Long Châu, Vĩnh Long và mất năm 1932.

Ông là một danh sĩ tài hoa, vốn dòng dõi một công thần nhà Nguyễn - ngài Tống Phước Hiệp, thần hoàng bốn tỉnh - người có công trùng tu và tân tạo Văn Thánh miếu mà cũng là người nâng đỡ chu toàn nền cổ nhạc Long Hồ. Nhưng ông cũng là người ăn chơi nổi tiếng, hào hoa đứng đầu tỉnh Vĩnh Long vào những năm 1915-1920. Lúc sanh tiền ông hay tổ chức đờn ca tiệc tùng, đá gà nòi, bài bạc, đờn hát, ngâm thơ đủ thứ. Đệ nhất thế chiến 1914-1918, ông tổ chức hát dạo quyên tiền giúp quốc trái nhưng chưa bao giờ lên hát trên Sài Gòn. Họa chăng ông là người ham dạo chơi đó đây, nên ông từng ghé Mỹ Tho ngủ đêm tại đây để chờ sáng đáp xe lửa lên Sài Gòn, nhân dịp đó có lẽ ông đã từng xem hát bóng có đờn ca tài tử tại Mỹ Tho, cũng như ông từng lên ngồi uống rượu ở nhà hàng P.T. (góc Lê Thánh Tôn - Thủ Khoa Huân) và tại nhà hàng Lương Hữu, khách sạn ông Bảy Phương (đường Nguyễn Thiệp), ông thấy giàn đờn tài tử, ông chớp để bụng mang về nhà bày đờn ca ngồi trên ván ngựa v.v. Tuồng Cải Lương được diễn lần thứ nhất tại nhà Thầy Phó Mười Hai (Vũng Liêm) là ngày 15-11-1918, kế đó diễn nơi Sa Đéc và Vũng Liêm. Lúc bấy giờ, nói đến tên ông Tống Hữu Định, trong giới âm nhạc tài tử ai đều cũng biết. Ông là người có sáng kiến khai sinh ra điệu ca bộ, ông tổ chức nghệ thuật sân khấu Cải Lương. Khoảng đầu năm 1916, trong một buổi hòa tấu nhạc tại nhà ông, bài ca Tứ Đại Oán "Bùi Kiệm Thi Rớt Trở Về" được trình diễn bằng hình thức "ca ra bộ", vừa ca vừa ra bộ. Ba người thủ vai: Bùi Ông, Bùi Kiệm, Kiều Nguyệt Nga (Cô Ba Định thủ vai Nguyệt Nga, ông giáo Du trong vai Bùi Ông và ông giáo Diệp Minh Ký trong vai Bùi Kiệm). Ông Tống Hữu Định nổi tiếng là người hào hoa phong nhã hiếu khách, say mê nghệ thuật đờn ca, hàng tuần vào ngày thứ bảy đều có tổ chức hòa nhạc, tiệc tùng tại nhà ông với đôi ba người tài tử nghệ sĩ. Phong trào âm nhạc tài tử nhờ đó mà phát triển mạnh mẽ ở miền Tây cách đây 75 năm. Ông vừa là người có tâm hồn nghệ sĩ vừa là một nhà thơ, đã đứng ra vận động thành lập Hội Văn Thánh, quyên tiền trùng tu Văn Thánh miếu Vĩnh Long.
lekt - tcgd (Theo Hậu Trường SKCL của Trần Trung Quân)


Hậu Tổ Cải Lương

Soạn giả Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, Hậu Tổ Cải Lương


Ngày 11 và ngày 12 tháng 8 âm lịch hàng năm, năm nay nhằm ngày thứ sáu 21 và thứ bảy 22 tháng 9 là ngày giổ Tổ Hát Bội và Cải Lương. Các nghệ sĩ hát bội và cải lương ở trong nước hoặc ở hải ngoại đều có tổ chức lễ giổ Tổ Nghiệp, hoặc tập trung từng đoàn hát, ở nhà truyền thống nghệ sĩ hoặc riêng từng cá nhân tại nhà của mình nếu không có điều kiện tập trung
Nhân dịp nầy, Nguyễn Phương muốn nhắc lại ý kiến của cụ Vương Hồng Sển nói về những vị hậu tổ cải lương. Tôi nghĩ là nhân ngày giổ Tổ, nghệ sĩ chúng mình cũng cần biết qua công đức của các vị Hậu Tổ đã đóng góp trong việc xây dựng nền nghệ thuật sân khấu độc đáo của dân tộc.Theo ông Vương Hồng Sển, nhà khảo cứu về sách cổ, đồ cổ, Cựu Giám đốc Bảo Tàng Viện Saigon và cũng là một học giả có nhiều bài viết về nghệ thuật hát bội và cải lương thì ông Nhạc Khị, người Bạc Liêu, nhạc sư, thân phụ của nhạc sư Ba Chột và cha vợ của nhạc sư Trịnh Thiên Tư đáng được tôn vinh là Hậu Tổ cải lương.Về các soạn giả, những người đã khai sanh ra các lối diễn ca trên sân khấu và đào tạo nghệ sĩ, nhà học giả Vương Hồng Sển có kể đến tên các ông Mạnh Tự Trương Duy Toản, người sáng tác kịch bản đầu tiên cho gánh hát của ông André Thận và ông Châu Văn Tú, những gánh hát cải lương đầu tiên ở miền Nam (1918).Sau đó ông Vương Hồng Sển kể đến các ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, soạn giả của gánh hát Tập Ích Ban (1921); các ông soạn giả nguyên là thầy giáo của trường Tiểu học ở Sóc Trăng : Giáo Quyển, Giáo Chức và ông Tư Quốc soạn giả của gánh hát Tân Phước Nam của ông thầy thuốc Minh Sóc Trăng (1921 – 1922); ông Mười Giảng Nguyễn Công Mạnh, ông Lâm Hoài Nghĩa, Nguyễn Quốc Biểu, ông Phạm Công Bình, Châu Hồng Đào, Trần Quang Hiển, Lê Quang Hộ, Ngô Văn Nghị, Đoàn Quan Tấn (sinh viên trường Cao Đẳng Hà Nội, gốc miền Nam), ông Hồ Văn Trung (tức nhà văn Hồ Biểu Chánh), ông Lê Quang Liêm (đốc phủ Bảy), Nguyễn Chánh Sắt (nhà dịch thuật truyện Tàu rất nổi tiếng), ông Trần Chánh Chiếu…Các ông kể trên đều là những soạn giả đã viết những tuồng cải lương trong các năm từ 1918 đến 1924. Đó là những nhà trí thức học giả, có ông là giáo sư trường Chasseloup Laubat Saigon, có ông làm tới chức Đốc Phủ Sứ, có ông vừa là công chức của Ty Soái Phủ vừa là nhà văn hữu danh.Các ông soạn những tuồng lịch sử Việt Nam (Gia Long Tầu Quốc, Pháp Việt Nhứt Gia, Giọt Máu Chung Tình tức Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà…), tuồng xã hội (Tham Phú Phụ Bần, Tối Độc Phụ Nhơn Tâm…) tuồng Việt Nam xưa theo các tích truyện Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Thúy Kiều – Kim Trọng, Lâm Sanh Xuân Nương, Lưu Bình Dương Lễ… tuồng theo tích truyện Tàu : Phụng Nghi Đình, Châu Mãi Thần Ly Thê, Thái Sư Văn Trọng, Mổ Tim Tỷ Can, Thôi Tử Thí Tề Quân…Cụ Vương Hồng Sển nhắc đến người soạn giả đầu tiên của cải lương : ông Mạnh Tự Trương Duy Toản. Sau đó mới tới ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, nhưng theo lời của cô Phùng Há, nghệ sĩ kiêm soạn giả Năm Châu, soạn giả Lê Hoài Nở thì ông thầy tuồng có công đào tạo nhiều nghệ sĩ tài danh tiền phong như Năm Châu, Bảy Nhiêu, Tư Thới, Phùng Há, Ngọc Hải, Sáu Ngọc Sương, Ngọc Trâm, Kim Cúc… là ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền.Anh Năm Châu, anh Bảy Nhiêu, cô Phùng Há khi nhắc tới ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền thường tỏ lòng tôn kính và xem như là cha nuôi của mình. Và cô Phùng Há thường nói : « Nếu nói đến Hậu Tổ Cải Lương thì bên nhạc đúng là ông Nhạc Khị, bên cải lương là ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền.» Trong giới nghệ sĩ sân khấu cải lương có tập tục thờ Tổ nghiệp : không ai biết đích xác Ông Tổ ngành hát bội và cải lương là ông nào. Tổ nghiệp của nghề hát là danh xưng để gọi chung các bậc tiền bối đã dày công sáng lập nên sự nghiệp có liên quan đến nghệ thuật sân khấu : Tổ Sư, Thánh Sư, Tiên Sư, Tam Giáo đạo sư, Thập nhị công nghệ, Lão Lang đại thần, Tiền Hiền, Hậu Hiền…tức là những bậc nhân tài xuất chúng, những bậc thầy các ngành nhạc, mộc, dệt, múa, rèn, thuốc, hát ca, kể cả những đồng nghiệp quá cố.Theo quan niệm đó thì các ông khởi đầu cho nghề soạn tuồng như ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, ông Mạnh Tự Trương Duy Toản, Nhạc Sư Hai Khị đều được tôn vinh là Hậu Tổ cải lương, đó là để tưởng nhớ và ghi ơn bậc tiền bối đã khai sáng nghệ thuật cải lương.Ông Nguyễn Trọng Quyền bút danh Mộc Quán, sinh năm Đinh Sửu (1876), tại làng Thạnh Hòa, xã Trung Nhứt, quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên (nay thuộc tỉnh Cần Thơ), con của ông Nguyễn Văn Tường và bà Trương Thị Thạnh.Lúc nhỏ, ông học hết chương trình Tiểu học, rồi ở nhà học chữ Nho với cha và tự học thêm Pháp văn. Ông làm thư ký cho hãng rượu nếp hiệu Phước Hiệp do ông Vương Thiệu (Năm Tiệm) làm chủ. Ông Quyền rất giỏi tiếng Tiều. Ông Vương Thiệu nguyên là một nghệ sĩ đoàn hát Tiều giải nghệ để kinh doanh nghề nấu rượu nên trong những cuộc tiệc nội bộ của hãng rượu Phước HIệp, ông Vương Thiệu rước đoàn hát Tiều về hát cho công nhân xem. Ông Nguyễn Trọng Quyền nhân các dịp đó, làm quen với các kép hát Tiều, học đờn cò và học hát.Năm 1903, lúc ông được 27 tuổi, ông sáng tác thơ tuồng để dạy con cháu cách cư xử ở đời như thơ Thoại Bạch Viên (còn gọi là thơ Chệt Xuội), Trùng Ma Phụ Giám và Xử Hạnh Ca.Năm 1916, ông Vương Có, con của chủ hãng rượu Phước Hiệp, nhân thấy nhiều chủ bầu các gánh hát ở Tiền Giang và Hậu Giang làm giàu mau lẹ nhờ gánh hát rất đông khách nên ông xin cha ông giúp vốn lập ra đoàn cải lương Tập Ích Ban. Ông Nguyễn Trọng Quyền, thơ ký của hãng rượu Phước Hiệp được mời làm thầy tuồng.Gánh hát Tập Ích Ban (1921) được tổ chức rập khuôn theo một gánh hát Tiều, soạn giả Nguyễn Trọng Quyền lấy bút danh là Mộc Quán. Các nam nữ diễn viên đều được đặt cho nghệ danh theo tên người Hoa như nghệ sĩ Bảy Nhiêu thành tên Lâm Sinh, cô Sáu Trâm thành tên Ngọc Xoa, nghệ sĩ Tư Thới thành tên Dương Hòa, Hai Hiến thành tên Kiều Mị, Hai Hí thành tên Song Hỷ…Suốt 7 năm làm thầy tuồng gánh hát Tập Ích Ban, ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền đã viết 27 tuồng dựa theo cốt truyện Tàu, dã sử Việt Nam và xã hội mà một số lớn các di cảo còn được nghệ sĩ Phùng Há gìn giữ như tuồng Châu Trần Tiết Nghĩa, Tây Sương Ký, Thố Nhận Oan Ương và tuồng Bội Phu Quả Báo, sáng tác phẩm của ông Phạm Công Bình năm 1923, được ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền nhuận sắc năm 1924, thêm bài ca Dạ Cổ Hoài Lang cho nghệ sĩ Phùng Há hát cho gánh hát Huỳnh Kỳ.Nhờ có học hát Tiều và nghiên cứu lối hát Hí Khúc Trung Quốc, ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền đứng ra tập các tuồng Tàu của ông sáng tác, ông chỉ dạy cho các nghệ sĩ những lối múa theo tuồng Tàu, cách dâng rượu, múa thương, múa đao đến các nghi thức diễn các lớp vào triều, tư thế của tiểu thư, mệnh phụ hay các văn quan võ tướng. Lớp lang, điệu hát, điệu múa ăn khớp với lời ca, bài hát do ông soạn khiến cho các nghệ sĩ lãnh hội được một lối hát mới, thoát khỏi những gò bó khi còn trong thời kỳ Ca Ra Bộ.Năm 1923, ông Nguyễn Trọng Quyền được ông Bầu Lê Phước Georges và nữ nghệ sĩ Phùng Há mời về làm thầy tuồng cho gánhn hát Huỳnh Kỳ. Ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền đã viết 12 tuồng cho gánh hát Huỳnh Kỳ.Năm 1929, ông được mời về làm thầy tuồng cho gánhn hát Hữu Thành của ông bầu Nguyễn Bá Phương ở Thốt Nốt. Ông đã viết 5 tuồng cho gánh hát Hữu Thành.Năm 1935, ông Nguyễn Bữu ở Trà Vinh và cô Phùng Há lập ra gánh hát Phụng Hảo 3, mời ông Nguyễn Trọng Quyền làm thầy tuồng. Ông Quyền đã viết 7 tuồng cho gánh hát Phụng Hảo 3 mà hai vở tuồng San Hậu và Phụng Nghi Đình đến nay vẫn được nhiều đoàn hát khác đem ra sử dụng.Năm 1937, gánh hát Hữu Thành tái sinh và gánh hát Kỳ Quan của ông Năm Hý ở Thốt Nốt thành lập. Hai gánh hát nầy mời ông Nguyễn Trọng Quyền làm thầy tuồng chung cho hai gánh hát. Thời gian này ông Quyền sáng tác 17 tuồng.Năm 1939, ông Quyền làm thầy tuồng cho gánh hát Ngự Bình của Bầu Tư Thới, ông đã sáng tác 8 vở tuồng Tàu và dã sử cho đoàn hát Ngự Bình.Năm 1952, ông Châu Văn Sáu tức Bầu Nhơn cùng với cô Phùng Há lập đoàn cải lương Phụng Hảo 4. Ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền viết một vở tuồng, lấy nước Nhựt làm bối cảnh cho câu chuyện, tựa tuồng là Luống Cày Rướm Máu. Tuồng nầy được hát một tuần lễ tại rạp Nguyễn Văn Hảo, kế đó phải tạm ngưng vì ông bầu Châu Văn Sáu và cô Phùng Há được tin là ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền bị đứt mạch máu não, đưa vào nhà thương Châu Đốc và trút hơi thở cuối cùng vào ngày 21 tháng 9 năm Qúy Tỵ (1953).Cô Phùng Há, ông bầu Châu Văn Sáu, nghệ sĩ Năm Châu, Bảy Nhiêu, Năm Phỉ, Ba Vân, Từ Anh, Kim Cúc, Kim Lan về Thốt Nốt dự lễ an táng ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền tại xã Trung Nhứt, huyện Thốt Nốt. Cô Phùng Há đứng ra xây một ngôi mộ cho ông tại ấp Phụng Thạnh 2, xã Trung Nhứt vì cô Phùng Há vừa là đệ tử, vừa là dưỡng nữ của ông Mộc Quán.Ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền làm thầy tuồng được 50 năm, sáng tác được 85 vở tuồng cải lương nổi danh. Ngoài ra ông còn là một nhà thơ và viết nhiều thể loại với các bút danh Mộc Quán, Thốc Sơn, Hưng Hoành, Cái Sơn Bô Lão.Ngoài 85 tuồng cải lương, ông còn sáng tác 7 tập thơ tuồng, 12 tập sách dạy con cháu cách xử sự ở đời và trên 100 bài thơ các loại. Ngoài tác phẩm Trùng Ma Phụ Giám, ông còn viết Phu Thê Ngôn Luận và 113 câu hát đối đáp. Số sáng tác phẩm của ông vừa được kể ra, hiện nay đã được tái bản và lưu giữ nơi các cơ quan văn hóa của tỉnh Cần Thơ. Các tuồng có bút tích của ông Mộc Quán hiện được cô Phùng Há cất giữ.Các nghệ sĩ cải lương hậu bối ngày nay đều tôn vinh cụ Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền là một vị Hậu Tổ của Cải Lương.
tancogiaoduyen (Theo SG Nguyễn Phương - ĐACTD