Thứ Năm, 23 tháng 5, 2019






Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga - Kỳ 6: Dự cảm về sự ra đi
25/11/2008 0:24
Thanh Nga thích mặc áo tuồng màu đỏ -Ảnh do gia đình cung cấp
Trước lúc án mạng xảy ra, ngôi nhà riêng của Thanh Nga bị rải những lá thư nặc danh, tờ rơi... lời lẽ hăm dọa khiến những ngày tháng cuối đời, bà luôn phấp phỏng những nỗi sợ hãi, lo lắng. Tâm hồn đa cảm của Thanh Nga không ít lần dự cảm về sự ra đi của chính mình...
Mời nghe đọc bài
Lá thư nặc danh
Trong gia đình nghệ sĩ Thanh Nga, bà Lư Ánh Mai là con thứ 9, trong nhà hay gọi là cô Chín. Bà hồi tưởng lại rằng nếu nói giai đoạn nào nghệ sĩ Thanh Nga cảm thấy hạnh phúc và phát triển rực rỡ nhất trong sự nghiệp thì đó phải là sau năm 1975. Thế nhưng, lúc đó tình hình đất nước thời hậu chiến cũng còn nhiều diễn biến phức tạp khiến Thanh Nga có những nỗi phấp phỏng bất an.
Sự kiện đầu tiên là năm 1975, khi Thanh Nga đang hát trên sân khấu rạp Lux B (đường Nguyễn Văn Cừ, TP.HCM ngày nay) thì rạp bị ném lựu đạn. Có nhiều khán giả và người trong đoàn bị thiệt mạng, trong đó nghệ sĩ Thanh Nga cũng trúng thương bởi miểng lựu đạn. Tuy thoát chết nhưng cái miểng lựu đạn ấy vĩnh viễn theo Thanh Nga đến tận ngày mất vì nó quá gần phổi, bác sĩ không thể mổ lấy ra.
Đến năm 1977, dư luận lại bị chấn động bởi vụ án bắt cóc con trai Toro của nghệ sĩ Kim Cương. Toro lúc đó 5 tuổi. Khi gia đình nghệ sĩ Kim Cương giao nộp cho bọn bắt cóc 20 lượng vàng thì Toro mới được thả trước nhà thờ Đức Bà. Vụ án gây hoang mang bởi khả năng bọn bắt cóc sẽ nhắm vào con cái của những người nổi tiếng. Sinh thời, nghệ sĩ Thanh Nga rất thương cậu con trai Cúc Cu. Bà làm mẹ năm 33 tuổi, theo những người trong gia đình thì tuổi ấy là hơi trễ, nên bà càng cưng con đặc biệt. Thương con nhiều, bà không thể không để tâm những mối hiểm nguy có thể xảy ra với con.
Nghệ sĩ Thanh Nga -Ảnh do gia đình cung cấp
Nhưng nghiêm trọng nhất là trong thời gian này, Thanh Nga có những vai diễn có sức tác động mạnh mẽ đến quần chúng như vai Trưng Trắc chống giặc Đông Hán trong vở Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga chống giặc Tống trong vở Thái hậu Dương Vân Nga.
Đó đều là những vai diễn thành công vang dội, khơi gợi truyền thống yêu nước và tinh thần chống giặc ngoại xâm mạnh mẽ trong lòng công chúng. Bởi sự ảnh hưởng đó, trước nhà bà bắt đầu xuất hiện những thư nặc danh, những tờ rơi với lời lẽ đe dọa rằng nếu không dừng ngay vai Thái hậu Dương Vân Nga thì đừng có trách. Bà báo cáo chuyện này lên cơ quan chức năng. Đã có một cuộc họp nghiêm túc để xem xét vụ việc này. Nhưng cuối cùng, Thanh Nga vẫn giữ vai diễn.
Nghệ sĩ Hữu Châu nhớ lại: “Lúc đó nói cô tôi không sợ thì không phải. Cô tôi rất sợ. Nhưng diễn thì... vẫn cứ diễn”. Và cũng chính vì những tình tiết ấy mà rất lâu, rất lâu sau này vụ án Thanh Nga vẫn bao trùm quanh nó một màn sương mù bí ẩn của một nghi án ám sát.
Những linh cảm về cái chết
Hằng đêm, khi rời ánh đèn sân khấu trở về đời thường, lo lắng bất an với những mối đe dọa, Thanh Nga tìm đến với niềm tin tâm linh. Một tháng trước khi bị sát hại, trước mỗi đêm hát lúc nào bà cũng lần tràng hạt, tụng kinh niệm đức Phật Bà Quan Âm. Trong một tháng ấy, người nhà nhiều lần nghe bà nói nửa đùa nửa thật về cái chết. Bà nói nếu bà chết thì đừng cắt tóc.
Bà cũng thích một chiếc áo tuồng màu đỏ. Bà muốn khi bà chết sẽ được liệm bằng chiếc áo đỏ đó. Thật trùng hợp là đêm xảy ra án mạng, nhà nghệ sĩ Thanh Nga bị phong tỏa hiện trường, người nhà không thể lấy quần áo nên liệm bà bằng chính chiếc áo đỏ diễn tuồng đêm đó.
Thanh Nga cũng tính chuyện gửi gắm đứa con trai Cúc Cu cho người nhà. Bà có nỗi lo lắng quá mức rằng con trai mình sẽ không được cưu mang và thương yêu. Nghệ sĩ Hữu Châu kể, khi bà bầu Thơ nghe tin báo về vụ sát hại, chạy vào bệnh viện tìm con thì xác Thanh Nga vẫn còn mở mắt. Đến khi bà bầu Thơ đến bên nói: “Con hãy yên tâm, má sẽ lo cho thằng Cúc Cu”, nói xong vuốt mắt thì đôi mắt của Thanh Nga mới chịu khép lại.
Lúc đó nói cô tôi không sợ thì không phải. Cô tôi rất sợ. Nhưng diễn thì vẫn cứ diễn. - Nghệ sĩ Hữu Châu
Đêm 26.11.1978, đêm định mệnh, trong bữa ăn trước suất diễn vở Thái hậu Dương Vân Nga ở rạp Cao Đồng Hưng, Thanh Nga còn “nói chơi” với em gái Lư Ánh Mai: “Nếu chị chết, Chín phải xức dầu thơm cho chị. Chín phải làm mặt cho chị, đừng để chị xấu”. Tan diễn, trên đường về bị một chiếc xe hơi đằng đẵng bám theo khiến gia đình Thanh Nga cảm thấy lo lắng. Nhưng điều họ không ngờ là bọn bắt cóc là những kẻ đi xe Honda 67 bám theo họ đến trước cổng nhà. Nỗi lo âu bủa vây gia đình Thanh Nga trong một thời gian dài đã kết thúc bằng những tiếng súng chát chúa của bọn bắt cóc cướp đi sinh mạng của người nữ nghệ sĩ tài danh mệnh bạc.
Cuộc đời Thanh Nga bị cướp đi ở tuổi 36, khi bà đang ở đỉnh cao của vinh quang, của sự nghiệp, trong niềm tiếc thương một bông hoa tài sắc vẹn toàn trên sân khấu. Nhưng, những hồi ức và giai thoại đẹp đẽ về Thanh Nga vẫn sống mãi trong lòng khán giả. Điều đó đã 30 năm rồi vẫn chưa hề phai nhạt. Nhiều sân khấu có bàn thờ Thanh Nga. Và có nhiều nghệ sĩ hậu bối như NSƯT Hồng Vân, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng... - những “người dưng nước lã”, vẫn lập bàn thờ Thanh Nga trong nhà. Với bà, họ dành một sự ngưỡng mộ, yêu mến khác biệt, và lòng thành kính đó đến mức chuyển hóa thành đời sống tâm linh. (Còn tiếp)
Quang Thi
Kỳ 5: Cô Ba kẹo kéo Kỳ 4: Những phút cuối của một tài hoaKỳ 3: Người chụp ảnh Sơn nữ Phà Ca trong áo quan Kỳ 2: Lời khai của "người bảo vệ"Kỳ 1: Thanh Nga - cành hoa trắng mộnghttp://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200848/20081125002443.aspx

Không có nhận xét nào: