Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2008


Thương Hoài Câu Vọng Cổ

Thốt Nốt

“Từ là từ phu tuớng,
Bửu kiếm sắc phong lên đàng.
Vào ra luống trông tin chàng,
Ðêm năm canh mơ màng.
Em luống trông tin chàng,
Ôi, gan vàng quặn đau.
Ðuờng dầu xa ong buớm,
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang.
Còn đêm luống trông tin bạn,
Ngày mỏi mòn như đá vọng phu.
Vọng phu vọng, luống trông tin chàng,
Lòng xin chớ phụ phàng.
Chàng hỡi chàng có hay,
Ðêm thiếp nằm luống những sầu tây.
Biết bao thuở đó đây xum vầy,
Duyên sắt cầm đừng lạt phai.
Thiếp cung nguyện cho chàng,
Nguyện cho chàng hai chữ bình an.
Mau trở lại gia đàng,
Cho én nhạn hiệp đôi.”

Ðó là biên bản lời nguyên thủy cùa bài Dạ Cổ Hoài Lang (Ðêm nghe tiếng trống nhớ chồng) của ông Cao Văn Lầu (1892-1976) tức Sáu Lầu, bài hát tiền thân của bản Vọng Cổ ngày nay.

Tuy cải lương tuy đã có trước khi bài Vọng Cổ ra đời nhưng nhờ bài hát nầy mà nó đã

biến thể, thu hút giới thưởng ngoạn nhanh chóng và đông đảo hơn. Một tuồng cải lương, về kỷ thuật, là một tổng hợp của nhiều bài bản cổ nhạc dựa theo nội dung cốt truyện. Tuy nhiên, dù vở tuồng thuộc bất cứ thể loại nào: bi thảm, hài hước, xã hội, dã sử hay hương xa, nó đều phải có ít nhất một bài Vọng Cổ ở mỗi màn. Bắt buộc không thể thiếu. Nếu do đào kép nổi tiếng thủ diễn thì họ phải hát Vọng Cổ vài lần (thường là lúc chia tay và khi tái ngộ). Thật cũng không ngoa nếu nói cải lương nhờ Vọng Cổ mà đi sâu vào dân chúng, từ giai cấp trí thức đến tầng lớp bình dân, và Vọng Cổ cũng nhờ cải lương mà có một địa vị bất tử trong lòng người dân từ Bắc vô Nam.

Cổ nhạc Nam phần có rất nhiều bài bản: Xàng Xê, Nam Ai, Văn Thiên Tường, Nam Xuân, Sương Chiều, Tú Anh, v.v. nhưng nổi tiếng nhất vẫn là bài Vọng Cổ. Về sau chữ Vọng Cổ gần như đồng hóa và thay thế cho chữ Cổ nhạc Nam phần. “Nghe Vọng Cổ,” “ca Vọng Cổ,” “Làm vài câu Vọng Cổ nghe chơi!” trở thành ngôn ngữ thông dụng cho cách thưởng thức một bộ môn nghệ thuật đại chúng của dân miền Nam. Tuy nói là “nghe chơi” nhưng phải nhìn khán giả miền Nam khi họ nghe ca Vọng Cổ, dù ở các đám tiệc, buổi đờn tài tử hay trong rạp hát, mới thấy sự trân trọng của họ đối với bài hát và người trình diễn. Không ai bảo ai, tất cả đều im lặng khi câu rao bắt đầu. Họ chờ đợi nhưng cổ võ người nghệ sĩ trong im lặng, háo hức. Người hát cũng đáp lễ bằng để hết tâm hồn vào câu ca vì một câu ca vô hồn sẽ hiện rõ không thể dấu diếm, và đó là điều khinh thường người thưởng ngoạn. Câu xề vừa xuống là tiếng vỗ tay vang rền, từ em bé được cha mẹ dẫn đi xem hát lần đầu đến cụ bà hom hem ngồi bên đứa cháu, từ ông bà sang trọng ngồi ở hàng ghế thượng hạng gần sân khấu cho đến người đàn bà nhà quê ngồi cuối rạp ở hạng cá kèo. Tất cả đều vỗ tay. Tất cả đều bình đẳng. Không kẻ lớn người nhỏ, không kẻ giàu người nghèo. Chỉ có người thưởng thức một bài hát hay. Sau hơn 80 năm bài Vọng Cổ vẫn là vị hoàng đế không ngai của âm nhạc miền Nam. Trong một buổi trình diễn cổ nhạc Nam phần, dù là nguyên trọn hay trích đoạn vỡ hát cải lương hoặc đờn ca tài tử, bài Vọng Cổ luôn luôn có mặt và luôn luôn là bài hát chánh. Bài Vọng Cổ là một bài hát đặt biệt của miền Nam, không thể lầm lẫn. Nó là biểu tượng đặc biệt của dân miền Nam. Không to lớn dữ dội như sông Hồng, không thơ mộng, văn vẽ như sông Hương nhưng như giòng Cửu Long với nhánh sông Tiền, sông Hậu chảy thấm vào đất đai, bồi bổ đồng ruộng, chảy thấm vào lòng người lúc nào không biết. Bản Vọng Cổ thấm vào tâm hồn mộc mạc, chất phác của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và của cả miền Nam nói chung. Nhập vào từ lúc còn ngậm bầu vú mẹ, nhập vào từ lúc chập chửng bước đi cho mãi đến khi đặt chân vào cuộc đời đầy tranh đua, phiền toái.

Có phải ông Sáu Lầu là người đã đặt ra bài Dạ cổ hoài lang? Theo truyền thuyết, ông Sáu Lầu cưới vợ đã lâu, gia đình đầm ấm nhưng không có được một mụn con. Cha mẹ ông buộc ông phải cưới vợ khác để ông bà có cháu nối dõi tông đường. Ông Sáu buồn rầu, không biết xử sao cho vẹn cả đôi bên hiếu và tình. Sống xa người vợ thương yêu nhưng nào đâu quên bỏ được. Tuy xa mặt nhưng lòng không cách, tình yêu càng làm nỗi nhớ thương tăng thêm dào dạt. Lòng tâm sự của người chồng gởi cả vào bản nhạc mới được đặt ra, đó chính là bài Dạ cổ hoài lang bất hủ. Tuy bị cấm cản, ông vẫn lén lút lui tới với vợ. Sau đó bà có mang, vợ chồng lại xum họp.

Sở dĩ tôi chỉ gọi là bản nhạc mà không gọi là bài ca hay bài hát vì hiện nay có một số nghi vấn về lời của bài Dạ cổ hoài lang. Có những người cho rằng lời bài hát do ông Trần Xuân Thơ đặt ra, hay do một nhóm tài tử Sài Gòn đặt ra. Có người lại xác định là ông Sáu Lầu đã sáng tác cả nhạc lẫn lời. Dù sao đi nữa mọi người đều đồng ý là ông Sáu Lầu là cha đẻ của bài nhạc vô địch đó. Bài Dạ cổ hoài lang sau chuyển thành Vọng Cổ hoài lang (Trông tình xưa nhớ đến chồng) và cuối cùng là Vọng Cổ như ta biết ngày nay.

Theo cá nhân tôi, nếu truyền thuyết về hoàn cảnh sáng tác của ông Sáu Lầu là đúng thì có lẽ ông chỉ đặt ra bài nhạc, còn lời ca là của một nguồn gốc khác chưa được xác định chắc chắn. Tại sao? Đọc lời ca của bài Dạ cổ hoài lang ta thấy rõ ràng đó là lời than thở nhớ thương của một người vợ có chồng đi chinh chiến nơi phương xa. Nàng mong chồng bình an trong chiến trận, nhớ lời ước hẹn, tình nghĩa phu thê mà sớm quay về gia trung. Đây không phải là lời thương yêu ai oán của một người chồng, vì hoàn cảnh, đang phải sống xa lìa người vợ thủy chung. Dù có ngụy trang thế nào đi nữa, ông Sáu Lầu cũng không thể đặt ra lời cho một người đàn bà nhớ chồng để gởi gắm tâm sự nhớ vợ của ông. Rất phản tự nhiên. Văn chương của lời ca cũng tương hợp với các loại truyện thơ như Thoại Khanh Châu Tuấn, Lâm Sanh Xuân Nương của đất Nam Bộ thời ấy hoặc các truyện Tàu như Tam quốc chí, Nhạc Phi, Thuyết Đường do ông Nguyễn Chánh Sắc và những nhà văn xưa của miền Nam dịch thuật. Ngoài ra, tất cả các bản nhạc xưa đều được sáng tác nguyên thủy cho nhạc khí, không lời hát và có lẽ nhờ đó mà chúng đuợc phổ biến rộng rải và lưu truyền cho đến ngày nay. Chúng không bị bó buộc tình cảm để chỉ được trình diễn hay thưởng thức trong một hoàn cảnh nhất định như các bài hát có lời.

Bài Vọng Cổ có một nét đặc biệt mà gần như không một bài hát nào khác được thừa hưởng. Đó là tính đa dạng, biến thái của bài hát theo lời ca . Cũng cùng điệu nhạc, điệu đàn nhưng bài Vọng Cổ thay đổi hẳn bản chất tùy theo lời đặt ra. Buồn thương sầu thảm như Lan và Điệp, Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài. Não nề ai oán như Sầu vương ý nhạc, Hạng Võ biệt Ngu Cơ. Khuyên dạy êm đềm như Tu là cội phúc, Nỗi mừng ngày cưới. Kể truyện tích xưa như Đội gạo đường xa, Lưu Bình Dương Lễ. Vui đùa, dí dỏm như Tư Ếch đi Sài Gòn, Tựa tuồng sân khấu. Không thể dùng Lý con sáo để nói những lời hý lộng mà chỉ có thể than thở như cô Lan trong Tình Lan và Điệp của soạn giả Viễn Châu (đừng lầm với bài Lan và Điệp cũng của ông Viễn Châu):

“Hoa bay theo gió cuốn rụng đầy sân rêu,
Nhìn hoa tàn rụng rơi, Lan bâng khuâng tê tái tâm hồn
Bởi bao cay đắng dập dồn,
Tình đầu vừa tan theo khói sương,
Lan khóc than trong tháng năm sầu thương.
Mùi thiền đành quen câu muối dưa,
Mong lãng quên khổ đau ngày xưa.”

Bản Vọng Cổ ca đủ 6 câu phải mất khoảng 6 phút, gần gấp đôi một bản tân nhạc, có thể kể đầy đủ một câu truyện, một sự tích. Vì vậy Vọng Cổ là một phương tiện rất tốt để truyền bá kiến thức văn hóa cho đại chúng nhất là với tầng lớp dân quê ít học. Đất rộng, người thưa. Vất vả, cô đơn là những nỗi khó khăn mà lớp người tiền phong xuôi Nam khai phá đất đai, mở mang xứ sở phải chịu đựng:

“Má ơi, đừng gả con xa
Chim kêu, vượn hú biết nhà má đâu”

Nhờ Vọng Cổ mà người bình dân miền Nam biết được các tích truyện đầy luân lý như Lâm Sanh Xuân Nương, Phạm Công Cúc Hoa, Thạch Sanh Lý Thông, Tử Lộ v.v. hay những điển tích truyện Tàu như Triệu Tử Long triệt giang, Đơn Hùng Tín, Đắc Kỷ Trụ Vương, Lữ Bố hí Điêu Thuyền, Chung Vô Diệm. Không có lối giáo dục nào hay hơn. Trước là truyện thơ, sau là Vọng Cổ đã tạo cho người miền Nam một nếp sống và nhân sinh quan khác hơn dân các miền khác. Tinh thần phóng khoáng của những bậc tiền bối đi trước đã được các tích Cậu Hai Miêng, Đào Viên kết nghĩa, Đơn Hùng Tín, v.v. vung bồi, như phù sa làm phì nhiêu thêm đất vườn vùng đồng bằng sông Cửu, và truyền dạy đến lớp hậu sinh ngày nay. Nó tạo ra những phong cách “tứ hải giai huynh đệ”, “anh hùng tử, khí hùng bất tử” mà đến nay người miền Nam vẫn còn tự hào.

Rảo bước vào các làng quê miền Nam, người khách lạ luôn luôn nghe tiếng ca Vọng Cổ văng vẳng vọng ra từ một ngôi nhà nào đó trong xóm. Có thể là giọng ca của Minh Cảnh, Lệ Thủy, hay Hữu Phước, Ngọc Giàu. Có thể là bài Vọng Cổ xưa như Người mẹ mùa ly loạn, Gánh nước đêm trăng, có thể là một tân cổ giao duyên như Chàng là ai, có thể là giọng ca hài hước của Văn Hường trong Vợ tôi tôi sợ. Nhưng âm vang của bài Vọng Cổ luôn luôn ôm ấp, quấn quít tâm hồn người dân hiền lành, mộc mạc từ mấy mươi năm trước cho đến bây giờ. Và sẽ còn mãi về sau, thương hoài câu Vọng Cổ.

Thốt Nốt

Copy from : http://honque.net/

Thứ Tư, 3 tháng 12, 2008


HÌNH ẢNH MẸ TRONG THI CA VIỆT NAM

Tuyết Mai

Mẹ là dòng suối tắm mát. Mẹ là dòng sông êm đềm. Mẹ là vòng tay ấm áp che chở cuộc đời con… Có không biết bao nhiêu thơ, nhạc, ca dao ca ngợi tình mẹ thương con bao la như trời cao biển rộng. Trên đời này có lắm kỳ quan, nhưng không có kỳ quan nào uy nghi và rực rỡ bằng “Trái Tim Của Mẹ”. Tình Mẹ thương con là một thứ Tình Thiên Thu Bất Diệt. Trong ngôn ngữ của loài người khắp thế giới, tiếng gọi “mẹ” là tiếng nói đầu tiên của trẻ thơ. Không phải có một sự ngẫu nhiên trùng hợp mà theo quy luật ngữ âm tiếng M là tiếng đầu đời của trẻ thơ, bật ra từ vành môi bập bẹ mới tập nói, để đáp trả lại tình mênh mông bao la như trời biển mẹ dành cho con. Người Việt Nam, ở miền Bắc gọi mẹ là “mẹ” , người Trung gọi là “mạ”, người Nam gọi là “má”. Người Pháp gọi là “Maman”, người Đức (Mutter), Người Bồ Đào Nha (Maê), Ba Lan (Matka) Tiệp Khắc (Mamicka), Người Nga gọi là (Mamb). Người anh là “mother” .. Trong ký ức của con, hình ảnh mẹ đơn sơ như hương lúa, mỏng mảnh như hoa cà, Nhà Thơ Lưu Trọng Lư đã để lại một bài thơ bất hủ về mẹ: “Mỗi lần nắng mới hắt bên song. Xao xác gà trưa gáy não nùng; Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng, Chập chờn sống lại những ngày không Tôi nhớ mẹ tôi thuở thiếu thời Lúc người còn sống tôi lên mười Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội Áo đỏ Người đưa trước giậu phơi Hình dáng mẹ tôi chửa xóa nhòa Hãy còn mường tượng lúc vào ra Nét cười đen nhánh sau tay áo Trong ánh trưa Hè, trước giậu thưa” (Nắng Mới) Huy Cận thương mẹ một đời vất vả hy sinh cho chồng con, nhưng không một phút nào buồn lòng, chán nản cuộc đời nhiều cay đắng: “ Quanh năm có nghỉ ngày nào! Sớm khuya làm lụng người hao mặt gầy Rét Đông đi cấy đi cày Nóng Hè bãi cát, đường lầy đội khoai Bấu chân khỏi ngã dốc nhoài Những chiều gánh nước gặp trời đổ mưa”. (Mẹ ơi! Đời Mẹ) Nhà Thơ Hồ Dzếnh, Cha là người Trung hoa, Mẹ là người Việt, Ông đã viết lời thơ ca ngợi người phụ nữ Việt Nam! “Cô gái Việt Nam ơi! Từ thuở sơ sinh lận đận rồi Tôi biết tình cô u uất lắm Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi. Cô gái Việt Nam ơi! Nếu chữ Hy Sinh có ở đời Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực Cho lòng cô gái Việt Nam tươi” (Cảm Xúc). Trong những nhà thơ nổi tiếng thời tiền chiến không mầy người viết về tình mẹ, phần nhiều viết về tình yêu như Tản Đà, Nguyễn Khuyến, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính, Hàn Mạc Tử… Nhưng phần nhiều những tập thơ xuất bản ở hải ngoại sau năm 1975, thì đề tài quê hương và mẹ rất phổ thông. Có lẽ là vì những kẻ tha hương, ai ra đi cũng mang theo trong lòng một mảnh vườn hoài niệm. Trong mảnh vườn hoài niệm đó có dòng sông kỷ niệm, có những đêm trăng sáng, những con đường ngập nắng, đưa tuổi thơ ngọt ngào về mọi nẽo say mơ…lòng của ai mà chẳng có một quê hương với hình ảnh một bà mẹ già lưng còng tóc bạc? Nhà thơ Nguyễn Vô Cùng đã nhớ về mẹ : ”Mênh mông biển lớn sóng dâng trào Lòng mẹ ngàn năm vẫn dạt dào Chua xót thân già đời lận đận Ngậm ngùi phận trẻ kiếp lao đao Non buồn chạnh nhớ dường tê tái Cửa vắng vời trông luống nghẹn ngào Nhớ mẹ tháng năm mòn mỏi đợi Nỗi lòng canh cánh núi ngàn cao” Quê hương Việt Nam với chiến tranh lâu dài, có những người chồng phải đi chinh chiến miền xa, có người hy sinh ngoài chiến trận, bà mẹ Việt Nam vừa làm cha, vừa làm mẹ dạy dỗ, tần tảo nuôi con. Rồi khi chiến tranh chấm dứt bà mẹ Việt Nam chưa hết nỗi mừng vui hòa bình thì chồng con chịu cảnh lao tù học tập . Người đàn bà Việt Nam lại phải lặn lội rừng sâu núi thẳm để thăm nuôi chồng, con. Có lẽ người đàn bà Việt Nam là người chịu nhiều khổ đau nhất thế giới. Viết về nổi khổ của bà mẹ Việt Nam trong chiến tranh , Nhà thơ Phan Khâm có mấy vần thơ: “Lặn lội thân cò khóc nỉ non Mùa Hè đỏ lửa tháng sinh con Mẹ ở đầu ghềnh cha cuối thác Chiều ơi, quê ngoại nắng chon von. Ai về ngoài ngoại con theo với Quê Mẹ Đông Hà thuở chiến chinh Mẹ lấy chồng gian nan chới với Giống như đời mẹ cũng đao binh”. (Chiều Ơi Quê Ngoại) Hình ảnh của Mẹ sau cuộc chiến: “Ngày Đông mưa nhỏ hàng hiên Mẹ mang thùng hứng cho quên nỗi sầu Mẹ làm mọi việc – Cha đâu? – Cha con tù ngục rừng sâu mịt mù!”. (Ngày Đông ) Hoàng Minh Hùng Những khổ cực nghiệt ngã đã làm oằn lưng mẹ, làm khô héo đôi tay gầy guộc, tô đậm trên trán, trên đôi gò má của mẹ nhiều vết nhăn nheo. Những tàn phai của thời gian được ghi dấu trên mái tóc bạc phơ. Nhà Thơ Vương Đức Lệ xót xa thương mẹ: “Thương cái cò lặn lội bờ sông Mẹ về chợ cái tôm, cái tép Ấm mái tranh xưa chiều hôm khói bếp Bữa cơm nào, cơm gạo mới đưa hương… Ánh lửa hồng reo vui nồi cám lợn Vười sau xanh, lấm tấm dấu chân gà Trên cành trĩu, trái na vừa mở mắt Lời ca dao mẹ hát buổi trưa xa… (Nhớ Mẹ Ta Xưa) Những ngày các con còn nhỏ dại, mẹ một đời tần tảo, chịu khổ nhọc, hy sinh nuôi con nên người . Đến khi các con khôn lớn thì mỗi đứa một nơi, như núm ruột của mẹ bị cắt ra, bỏ đi mỗi nơi một khúc, còn nỗi đau nào hơn. Mẹ già chiều chiều ngồi tựa cửa mong con ở phương trời: “Chắt chiu cùng năm tháng Mẹ tần tảo ngược xuôi Nuôi con ngày khôn lớn Mỗi đứa một phương trời Nay tuổi già vóc hạc Thui thủi bóng vào ra Muộn phiền vai mẹ gánh Liêu xiêu buổi chiều tà” (Thuơng mẹ khổ một đời) Vương Đức Lệ Dù bao nhiêu tuổi già đi nữa, mất mẹ con cũng bơ vơ như đứa trẻ mồ côi, cả đời mình không lớn khôn thêm. Nhà thơ Phan thị Ngôn Ngữ rất lo “Xa mẹ rồi con biết sẽ về đâu?” “Dáng mẹ gầy-thấp thoáng buổi hoàng hôn Tóc mẹ trắng-chia đường trăm lối rẽ Con đứng một mình-trước sau quạnh quẽ Một giòng sông mất hút cuối chân trời Con mất mẹ rồi con sẽ mồ côi Trong góc tối-con âm thầm khóc mẹ Trong góc tối-một mình con lặng lẽ Chỉ mình con-tiếng gỗ nẻ đêm sầu Xa mẹ rồi con biết sẽ về đâu!” Hình ảnh mẹ luôn đơn sơ thân thiết như vườn xanh bóng mát, như hoa cao rụng trắng thềm nhà, như sáo diều vương thanh trúc…Mẹ là dáng dấp quê hương, nghìn trùng yêu dấu, là tiếng võng lời ru..Nghiêu Minh làm thơ ca tụng Mẹ: “Mẹ là con đường đưa con đến Chân Trời Mẹ là chiếc cầu đưa con qua bờ sông rộng Ôi bờ sông rộng Nhân Gian”. Hình ảnh Mẹ luôn sống trong lòng những đứa con lưu vong, hy vọng một ngày được trở về với Mẹ: “Mùa Xuân nào con sẽ về thăm Má Không bằng chim sâu con vẽ trong mơ Mà bằng dạt dào gieo nhân gặt quả Má giữ gìn con trong suốt nguồn thơ” (Xuân Nào Con Sẽ Vế Thăm Má) Nghiêu Minh Chẳng có gì đổi được tình mẹ, đổi được nụ cười mộc mạc, đơn sơ trên môi Mẹ hiền, nhà thơ Trần Trung Đạo đã hoài niệm về nụ cười của mẹ: “ Nhắc chiến phone lên bỗng lặng người Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi Ví mà tôi đổi thời gian được Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười…” Ngày đi con hẹn sẽ trở về, nhưng con vẫn biền biệt phương trời cho mẹ mỏi mắt chờ mong. Hoàng Trùng Dương nhớ buổi chia tay: “ Thu sang lá vẫn cứ rơi Xuân về Mẹ vẫn cuối đời trông con Tháng năm mẹ vẫn mỏi mòn Hao gầy thân xác chon von đỉnh đầu Nhớ con lệ nhỏ canh thâu Ngày đêm Mẹ vẫn nguyện cầu bình an” Rồi ngày con về thì mẹ đã ra đi… “Con về trong nỗi cô liêu Nghĩa trang vắng lạnh một chiều cuối Đông Còn đâu ngày tháng đợi trông Đứa con viễn xứ phiêu bồng ngàn khơi” (Khóc Mẹ) Hoàng Trùng Dương. Nói sao cho hết tình mẹ thương con. Mẹ là bóng mát của lủy tre làng, là khói lam chiều hoàng hôn nơi thôn giả, là những kỷ niệm thật êm đềm thuở ấu thơ . Tất cả sẽ trở nên nghẹn ngào chua xót trong tâm tư của những người con đã mất mẹ. Vậy những ai may mắn còn mẹ hãy ý thức mình là người có phước, hãy hân hoan, trân quý niềm vui còn có mẹ, vì: “Con có mẹ con còn tất cả Mẹ đi rồi, tất cả cùng đi Trong huyệt lạnh mẹ có nghe con khóc Khóc bây giờ và mãi mãi ngàn sau”

Tuyết Mai